Phân tích hợp đồng nhập khẩu than cốc luyện kim tro thấp

Mục lục

Phân tích hợp đồng nhập khẩu than cốc luyện kim tro thấp của CTCP Năng lượng ABC

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, hoạt động giao dịch thương mại, đặc biệt là giao dịch thương mại quốc tế phát triển không ngừng. Hoạt động đó ngày nay không đơn thuần là hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ giản đơn mà ngày càng mang tính khoa học và pháp lý.

Khi quan hệ quốc tế ngày càng được mở rộng thì hoạt động giao dịch thương mại phải được hoàn thiện và phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng càng đa dạng và mở rộng trên phạm vi quốc tế.

Một trong những phương thức giao dịch quốc tế quan trong trong nhất là phương thức giao dịch bằng hợp đồng thương mại quốc tế.

Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế là hợp đồng mua bán hàng hoá trong đó các bên ký kết hợp đồng có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau.

Như vậy có thể hiểu hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế là sự thống nhất về ý chí giữa các bên trong quan hệ mua bán hàng hoá có yếu tố nước ngoài mà thông qua đó, thiết lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các chủ thể đó với nhau.

Đi kèm với hợp đồng thương mại quốc tế còn có rất nhiều những chứng từ liên quan. Những chứng từ này đảm bảo việc giao dịch diễn ra tốt đẹp, hợp pháp và an toàn cho các bên.

Với mong muốn tìm hiểu, nghiên cứu một cách sâu sắc hơn về hợp đồng mua bán quốc tế và các chứng từ liên quan, cùng với đó là việc phân tích những mặt được, mặt hạn chế, những điểm cần khắc phục, bổ sung, nên nhóm nghiên cứu đã chọnHoa đề tài: “Phân tích hợp đồng nhập khẩu than cốc luyện kim tro thấp của công ty cổ phần Năng lượng ABC” làm đề tài nghiên cứu cho nghiên cứu. Thông qua nghiên cứu phân tích hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và bộ chứng từ liên quan, nhóm chuyên gia sẽ trình bày cụ thể về các bộ phận của một hợp đồng hoàn chỉnh hợp pháp, giải thích ý nghĩa của từng loại chứng từ cũng như có các nhận xét về các chứng từ này. Trong quá trình hoàn thành bài phân tích này, nhóm nghiên cứu còn nhiều thiếu sót cần bổ sung, mong nhận được sự đóng góp của các chuyên gia.

NỘI DUNG

I. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ CHỦ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ

1.  Người nhập khẩu – ABC  ENERGY J.S.C (Công ty CP năng lượng ABC)

  • Trụ sở chính: Huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương
  • Văn phòng giao dịch: Nguyễn Đình Chiểu, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam
  • Điện thoại: 0320-1122334
  • Fax: 0320-1122334
  • Người đại diện: Ông Nguyễn Văn A
  • Chức vụ: Giám đốc công ty
  • Website: http://www.abc.com.vn
  • Năm thành lập: 01/01/2007
  • Tên ngành cấp 2: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế
  • Giới thiệu về Công ty cổ phần Năng lượng ABC

Công ty CP năng lượng ABC được thành lập năm 2007 và trở thành thành viên của Tập đoàn ABC từ tháng 6/2009. Công ty cổ phần Năng lượng ABC gồm 02 nhà máy sản xuất than coke và nhà máy phát điện nhiệt dư. Nhà máy được xây dựng với tổng diện tích 36 ha được đầu tư theo công nghệ sạch, tiên tiến và hiện đại nhất trên thế giới hiện nay.

Nhà máy phát điện nhiệt dư dùng chính nguồn nhiệt dư phát sinh trong quá trình sản xuất than coke để vận hành tuabin máy phát điện. Tổng công suất thiết kế là 700.000 tấn than coke thành phẩm/năm và phát điện nhiệt dư 37 MW, cung cấp mỗi năm khoảng 270 triệu MW điện thương phẩm đảm bảo cung cấp 100% nhu cầu sử dụng điện của nhà máy, bên cạnh đó còn cung cấp khoảng 40% cho khu liên hợp gang thép ABC. Sản phẩm than coke của Công ty cổ phẩn Năng lượng ABC hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sản xuất cho ngành luyện kim trong nước, thay thế hoàn toàn hàng nhập khẩu, ngoài ra cũng được xuất khẩu đi các nước có nền sản xuất công nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…

  • Giới thiệu về tập đoàn ABC

Tập đoàn ABC là một trong những Tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam, hoạt động chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Sắt thép xây dựng, ống thép và tôn mạ; các ngành nghề điện lạnh, nội thất, máy móc thiết bị; Bất động sản, gồm Bất động sản Khu công nghiệp, Bất động sản nhà ở; Lĩnh vực nông nghiệp gồm sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi. Đến thời điểm hiện tại, sản xuất sắt thép là lĩnh vực sản xuất cốt lõi chiếm tỷ trọng trên 80% doanh thu và lợi nhuận toàn tập đoàn.

Đối với lĩnh vực sản xuất thép xây dựng, Tập đoàn ABC là chủ đầu tư Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Hải Dương. Với công suất 1,7 triệu tấn/năm, Khu liên hợp đã hoạt động đồng bộ cả 3 giai đoạn từ quý I/2016, nâng tổng công suất thép xây dựng của ABC lên 2 triệu tấn/năm. Hiện nay, ABC là doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng và ống thép lớn nhất Việt Nam với thị phần lần lượt là 22% và 26%.

Trong nhiều năm liền, ABC được công nhận trong Top các doanh nghiệp lớn nhất và hiệu quả nhất Việt Nam. Năm 2015, ABC thuộc Top 5 Công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam, Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất, Top 50 Công ty hiệu quả nhất Việt Nam, Top 40 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam,….

2.  Người xuất khẩu – XYZ RESOURCES SINGAPORE COMPANY PTE LTD (Công ty TNHH XYZ RESOURCES Singapore)

  • Trụ sở chính: #27-01 A Suntec Tower One, Singapore – 038987
  • Văn phòng đại diện: No.568, Dongdaming Road, Hongkou District, Shanghai 200080, China
  • Điện thoại: +65 1122334
  • Fax: +65 1122334
  • Đại diện: Ông Fan TOM
  • Chức vụ: Giám đốc kinh doanh phòng Than & Kim Loại
  • Website: http://www.XYZ.com
  • Năm thành lập: 2012
  • Ngành kinh doanh: cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất thép và các dịch vụ logistics
  • Giới thiệu về công ty TNHH XYZ Resources Singapore

XYZ Resources được là một chi nhánh sở hữu toàn phần của tập đoàn XYZ (Trung Quốc), được thành lập ngày 21/07/2006, tập trung vào lĩnh vực đầu tư, thương mại và dịch vụ logistics liên quan đến các loại tài nguyên khoáng sản và chủ yếu là sắt thép.

Ngày 21/12/2010, XYZ Resources thành lập một trụ sở ở Hong Kong và hai năm sau tiếp tục mở thêm một trụ sở nữa ở Singapore, là Công ty TNHH XYZ Resources (Singapore). Cho đến nay, XYZ Resources đã xây dựng một mạng lưới phân bổ ở các khu vực giàu tài nguyên trên toàn cầu như Châu Đại Dương, Châu Phi, Mỹ, Đông Nam Á.

Công ty chủ yếu phân phối các tài nguyên khoáng sản và tìm kiếm sự hợp tác lâu bền, hai bên cùng có lợi với các đối tác trên quy mô toàn cầu nhờ vào chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ khâu cung cấp sản phẩm chất lượng cao (ví dụ như quặng, than đá, hợp kim, kim loại màu, tái chế kim loại, …) đến các khâu dịch vụ giá trị gia tăng và vận chuyển. Tổng doanh thu năm 2013 được ghi nhận là 44,873 tỷ nhân dân tệ. XYZ Resources đang ngày càng nỗ lực nâng cao các dịch vụ của mình để trở thành một trong những nhà cung cấp khoáng sản hàng đầu trên thế giới.

  • Giới thiệu về tập đoàn XYZ (XYZ GROUP CORPORATION)

Tập đoàn XYZ Group (dưới đây gọi tắt là XYZ), thành lập ngày 23/12/1978, là một doanh nghiệp điển hình ra đời từ sự cải cách và mở cửa Trung Quốc. Trong hơn 30 năm phát triển, XYZ đã trở thành một trong những công ty sắt thép hàng đầu với mức độ hiện đại hóa cao nhất ở Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2014, tổng số nhân viên trong tập đoàn là 130.000 người làm việc trên khắp thế giới.

Với mũi nhọn là sắt và thép, tập đoàn sản xuất các sản phẩm thép cao cấp với công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao và thúc đẩy ba nhóm sản phẩm chính là thép cacbon, thép không gỉ và thép đặc biệt. Qua mạng lưới tiếp thị toàn cầu, các phẩm thép cao cấp không chỉ đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và khu vực ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và Mỹ, áp dụng rộng rãi cho các ngành công nghiệp như ô tô, thiết bị gia dụng, hóa dầu, máy móc, năng lượng, hàng không và không gian vũ trụ, điện hạt nhân và các thiết bị điện tử.

Cùng với sự phát triển của ngành kinh doanh thép, XYZ cũng đã nỗ lực để phát triển kinh doanh đa dạng trong các ngành công nghiệp liên quan đến thép. Tập đoàn đã tăng cường khả năng kết hợp các nguồn lực bên trong và bên ngoài, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn diện, đồng thời xây dựng những phân đoạn công nghiệp liên quan như phát triển nguồn lực và logistics, gia công thép thứ cấp, dịch vụ kỹ thuật, hoá học than, đầu tư tài chính, dịch vụ sản xuất và dịch vụ thông tin, nhằm duy trì sự phát triển tổng thể với ngành kinh doanh thép.

Về mặt hoạt động kinh doanh, XYZ giữ vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp nội địa và là một trong số các doanh nghiệp sắt thép hàng đầu thế giới. Năm 2016 là năm thứ 13 liên tiếp XYZ nằm trong danh sách Fortune Global 500 và đứng ở vị trí thứ 275. Ngoài ra, XYZ cũng được trao tặng danh hiệu “Công ty Trung Quốc được ngưỡng mộ nhất” và là công ty duy nhất trong ngành công nghiệp sắt thép của Trung Quốc được nhận danh hiệu này. Ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn trên thế giới đã đánh giá XYZ có mức xếp hạng tín dụng cao nhất trong số các công ty sắt thép toàn cầu.

  • Nhận xét:

Cả người nhập khẩu và người xuất khẩu đều là những công ty lớn hàng đầu trong thị trường nội địa và nổi tiếng trên toàn cầu, có đầy đủ tư cách pháp lý theo Luật Thương Mại Việt Nam 2005 (có đăng kí kinh doanh hợp pháp và có giấy phép xuất nhập khẩu hàng hoá). Với mặt hàng là loại than cốc luyện kim tro thấp được cung cấp bởi công ty TNHH XYZ Resources Singapore, công ty CP năng lượng ABC có thể hoàn toàn tin cậy về chất lượng sản phẩm cũng như quy trình giao hàng và dịch vụ vận chuyển mà bên đối tác cung cấp. Vì Công ty CP Năng lượng ABC chủ yếu sản xuất điện và là thành viên của tập đoàn ABC – sản phẩm chủ yếu là thép và sắt, có thể thấy công ty CP Năng lượng ABC nhập khẩu than cốc luyện kim tro thấp để phục vụ nhu cầu luyện kim là sản xuất gang, sắt thép và có thể dùng làm đầu vào của nhà máy nhiệt điện.

II.    PHÂN TÍCH ĐIỀU KHOẢN VỀ HÀNG HOÁ TRONG HỢP ĐỒNG GIAO DỊCH QUỐC TẾ

1.  Điều khoản tên hàng

  • Tên hàng: Than cốc luyện kim tro thấp.
  • Xuất xứ: Trung Quốc
  • Nhận xét:
  • Than cốc luyện kim tro thấp (hay còn gọi là than cốc luyện kim, than cốc) là sản phẩm từ sự chưng cất để loại bỏ các tạp chất từ một loại than bitum (bituminous coal). Sản phẩm từ sự chưng cất trong lò lên tới 1000 độ C này là một sản phẩm được dùng trong luyện kim, sản xuất phôi thép.
  • Điều khoản tên hàng được ghi theo: Tên thương mại của hàng hóa. Theo nhóm phân tích, hai bên nên bổ sung đi kèm tên hàng với mã HS (Harmonized Commodity Description and Coding System) để xác định thuế suất nhập khẩu hàng hóa và thuận tiện cho quá trình thông quan. Mã HS của sản phẩm này là: 27040030.
  • Hàng hóa trong hợp đồng theo thỏa thuận giữa hai bên có quy định xuất xứ rõ ràng tại Trung Quốc.
  • Hàng hóa “Than cốc luyện kim tro thấp” không thuộc đối tượng bị cấm nhập khẩu và danh mục hàng nhập khẩu có điều kiện (nghị định 187) nên đối tượng của hợp đồng hợp pháp.
  • Hàng hoá có chứng nhận xuất xứ form E (do bí mật kinh doanh của doanh nghiệp nên nhóm không xin được giấy chứng nhận xuất xử của hàng hoá theo form E do Cục kiểm dịch Trung Quốc cấp vì vậy nhóm sẽ phân tích đặc điểm của C/O form E): là Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp cho hàng hóa Việt Nam để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt là “Hiệp định khung ACFTA”) được ký tại Phnompenh – Campuchia ngày 4/11/2002. Nếu có C/O đầy đủ và hợp lệ thì khi làm thủ tục thông quan nhập khẩu, Người Mua có thể được hưởng ưu đãi thuế quan và góp phần thống kê thương mại và duy trì hệ thống thuế hạn ngạch. Với nước sản xuất và nước xuất khẩu là Trung Quốc và công ty XYZ RESOURCES có trụ sở ở Singapore, C/O trong hợp đồng có thể là loại C/O form E cấp trực tiếp bởi Cục kiểm dịch Trung Quốc.

 

  • Theo quy định trong hợp đồng, các thông tin cần thể hiện trên C/O form E bao gồm:
  • Loại mẫu C/O: Form E
  • Tên, địa chỉ người xuất khẩu: XYZ RESOURCES SINGAPORE  COMPANY  PTE LTD, trụ sở 7 Temasek Boulevard, # 27-01 A Suntec Tower One, Singapore – 038987
  • Tên, địa chỉ người nhập khẩu: Công ty Cổ Phần Năng Lượng ABC, trụ sở Hiệp Sơn – Kinh Môn – Hải Dương
  • Tiêu chí về vận tải
  • Tên phương tiện vận tải: MV CORAL VESSEL
  • Cảng bốc hàng: Xingang, Trung Quốc
  • Cảng dỡ hàng: Hải Phòng hoặc Cẩm Phả, Việt Nam
  • Tiêu chí về hàng hoá:
  • Tên hàng: Than cốc luyện kim tro thấp (Low ash metallurgical coke)
  • Trọng lượng hàng hoá: 8000MT
  • Quy cách đóng gói, miêu tả hàng hoá: bulk (hàng rời)
  • Giá trị theo hoá đơn (CFR): USD 1,278,400 ngày
  • Tiêu chí về xuất xứ hàng hoá: nước xuất xứ là Trung Quốc
  • Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước cấp xuất khẩu: ở đây người mua quy định là do Cục kiểm dịch Trung Quốc cấp.

2.  Điều khoản số lượng

Số lượng: 10,000 MT +/- 10% theo yêu cầu của người bán theo điều kiện CFR. Tuy nhiên theo phụ lục hợp đồng số 1 – Thoả thuận số (SG15EX-CC-040HPE) ký kết vào ngày 22/06/2015, do người bán không đủ khả năng cung cấp khối lượng đơn hàng là 10,000MT nên dung sai đã được tăng lên thành +/- 20% và được tăng lên thành +/- 30% trong phụ lục hợp đồng số 2 – Thỏa thuận số (SG15EX-CC-040HPE) ký kết vào ngày 01/07/2015.

  • Nhận xét:

Về đơn vị đo lường, hợp đồng quy định khối lượng lô hàng được đo theo hệ đo lường mét (metric system) theo điều kiện CFR, địa điểm xác định số lượng, trọng lượng là tại Trung Quốc. Chi phí đo khối lượng do người bán chi trả.

Khối lượng hàng hóa được quy định theo phương pháp phỏng chừng, tức là kết hợp một mức khối lượng cụ thể và một mức dung sai hơn kém, cho phép số lượng của hàng hóa thực tế khi giao cao hơn hoặc thấp hơn so với mức khối lượng quy định trong hợp đồng. Đối tượng áp dụng phương pháp quy định số lượng phỏng chừng là các hàng hóa không đếm được, hàng hóa có sự hao hụt phát sinh trong quá trình lưu kho, vận chuyển, chẳng hạn hàng nông sản, hóa chất, khí đốt, khoáng sản v.v. Vì than là mặt hàng không thể đếm được, lại xảy ra quá trình hao hụt khi vận chuyển và bốc dỡ do các nguyên nhân khách quan như sự oxi hóa của than, sự đông kết của than… hay khách quan như làm than bị vỡ khi vận chuyển xếp dỡ nên quy định theo phương pháp phỏng chừng là hoàn toàn hợp lý. Mức dung sai trong hợp đồng được quy định lần đầu là +/- 10% (lần thứ nhất sửa đổi là +/- 20% và lần thứ hai sửa đổi là +/- 30%) do Người Bán chọn, tức là nếu trong trường hợp có hao hụt xảy ra hoặc người bán có khả năng giao nhiều hơn mức cố định trên hợp đồng thì số lượng hàng có thể giao nhiều hơn/ ít hơn được phép tối đa là 10% (tức 3000 MT)

Tuy nhiên, hợp đồng chưa quy định định giá dung sai. Giá dung sai tính theo giá thị trường khi giao hàng hay tính theo giá hợp đồng, hợp đồng cần phải ghi rõ phòng trường hợp có tranh chấp.

3.  Điều khoản chất lượng

CÁC CHỈ TIÊUMỨC CAM KẾTTỪ CHỐIMỨC PHẠT
ĐỘ ẨM( ARB)5,0%MAX.——-VƯỢT QUÁ 5% SẼ KHẨU TRỪ KHÓI KHỐI LƯỢNG BILL
TRO (DB)12,50%MAX.CAO HƠN 13,5%1 ĐÔ LA CHO MỖI 1% CAO HƠN 12,5% LÊN TỜI 13,5%
CHẤT BỐC

(DB)

1,50% MAX.CAO HƠN 1,7%1 ĐÔ LÀ CHO MỖI 0,1% CAO HƠN 1,5% LÊN TỜI 1,7%
LƯU HUỲNH (DB)0,7% MAX.CAO HƠN 0,8%1 ĐÔ LA CHO MỖI 0,1% CAO HƠN 0,7% LÊN TỜI 0,8%
CRI28%MAX. CAO HƠN 30%1 ĐÔ LA CHO MỖI 1% CAO HƠN 28% LÊN TỚI 30%
CSR62%MIN.THẤP HƠN  60%1 ĐÔ LA MỸ CHO MỖI 1% THẤP HƠN 62% XUỐNG MỨC 60%
PHOTPHO (DB)0,03%MAXCAO HƠN 0,04%1 ĐÔ LA MỸ CHO MỖI 0,01% CAO HƠN 0,03% LÊN TỜI 0,04%
CACBON CỐ ĐỊNH86% MINTHẤP HƠN  85%1 ĐÔ LA CHO MỖI 1% THẤP HƠN 86% XUỐNG MỨC 85%
M4082%MIN.THẤP HƠN 80%1 ĐÔ LA MỸ CHO MỖI 1% THẤP HƠN 82% XUỐNG MỨC 80%
M108%MAX.CAO HƠN 9%1 ĐÔ LA MỸ CHO MỖI 1% CAO HƠN 7% LÊN TỜI 9%
CƠ HẠT: 30–90MM
<30MM 5%MAX.CAO HƠN 8%1 ĐÔ LA MỸ CHO MỖI 1% CAO HƠN 5% LÊN TỜI MỨC 8%
>80MM 5%MAX.CAO HƠN 8%1 ĐÔ LA MỸ CHO MỖI 1% CAO HƠN 5% LÊN TỜI MỨC 8%

Bảng 1. Các tiêu chuẩn chất lượng của than cốc luyện kim tro thấp nhập khẩu

  • Giải thích điều khoản chất lượng

Coke phân tích theo tiêu chuẩn ISO trừ chỉ số CSR và CRI theo tiêu chuẩn ASTM.

Các tiêu chuẩn của than Coke được phân tích theo tiêu chuẩn ISO và ASTM:

Tiêu chuẩn ISO (ISO 18894:2006): quy định thiết bị và kỹ thuật sử dụng để xác định khả năng phản ứng của cốc cục (có cỡ hạt > 20 mm) với khí carbon dioxide ở nhiệt độ nâng cao và độ bền cốc sau khi phản ứng với khí carbon dioxide bằng cách thử tang quay trong buồng hình trụ.

Tiêu chuẩn ASTM (ASTM D 5341): quy định phương pháp kỹ thuật xác định chỉ số CRI (Coke Reactivity Index) và CSR (Coke Strength After Reaction).

  • Độ tro là một trong những thành phần của nhiên liệu, nó ký hiệu là A, thứ nguyên là %. Nó chính là các chất ở dạng khoáng chất trong nhiên liệu khi cháy trở thành tro. Sự có mặt của nó làm giãm các thành phần cháy của nhiên liệu. Hay nó cách khác độ tro là những chất còn lại sau khi nhiên liệu cháy hoàn toàn.
  • Chất bốc là hỗn hợp các sản phẩm khí và hơi thoát ra từ than đá khi nung đến nhiệt độ 850 độ C, không có không khí lọt vào. Thành phần gồm có hiđro, oxi, metan, cacbon oxit, cacbon đioxit. Đó là những chất cháy cho nhiệt lượng cao và là nguyên liệu cơ bản của ngành hoá học than. Than có nhiều chất bốc thì dễ cháy nhưng lại sinh nhiều khói.
  • Lưu huỳnh là thành phần cháy trong nguyên liệu. Trị số tỏa nhiệt của lưu huỳnh thấp hơn carbon. Lưu huỳnh là nguyên tố có hại của nhiên liệu.
  • CRI (chỉ số khả năng phản ứng cốc) là phần trăm hao hụt khối lượng của cốc sau khi phản ứng với carbon dioxide để tạo thành carbon monoxide trong các điều kiện đã quy định trong tiêu chuẩn ASTM.
  • CSR (độ bền của cốc sau phản ứng) là độ bền của cốc sau phản ứng với carbon dioxide trong phép thử CRI, tính bằng phần trăm phần còn lại trên sàng 10,0 mm hoặc 9,5 mm sau khi thử tang quay ở các điều kiện đã quy định trong tiêu chuẩn ASTM.
  • Photpho là thành phần cháy trong nguyên liệu. Photpho là nguyên tố có hại của nhiên liệu.
  • Cacbon cố định là nguyên liệu rắn còn lại trong lò sau khi các chất bốc đã bay hơi. nó bao gồm chủ yếu là cacbon và một ít hiđro, oxy, lưu huỳnh và nitơ, không khí bay hơi với khí. Cacbon cố định có thể đưa ra ước tính sơ bộ về nhiệt trị của than. Hàm lượng cacbon cố định càng cao thì than Coke càng tốt.
  • M10, M40 là các chỉ số Micum. M40 là tỷ lệ phần trăm khối lượng của phần mẫu cốc còn lại ngay trên hoặc phía trên mặt sàng lỗ 40 mm sau 100 vòng quay của tang. M10 là tỷ lệ phần trăm khối lượng của phần mẫu cốc còn lại ngay trên hoặc phía trên mặt sàng lỗ 10 mm sau 100 vòng quay của tang. M40 có giá trị càng lớn và M10 có giá trị càng nhỏ cho thấy than cốc có độ bền cao hơn.
  • Nhận xét:

Quy định phẩm chất: Dựa vào phẩm cấp hoặc tiêu chuẩn. Khi dùng phương pháp này hai bên đã quy định chính xác số hiệu tiêu chuẩn và ghi rõ tiêu chuẩn.

Điều khoản chất lượng được quy định rõ ràng, chi tiết, đầy đủ đối với mặt hàng than cốc, giúp cho bên mua và bên bán hiểu rõ các tiêu chuẩn và tính chất của hàng hoá mà hai bên sẽ tiến hàng giao nhận, đồng thời người mua có thể sử dụng điều khoản này làm căn cứ trong trường hợp có tranh chấp phát sinh do hàng người bán giao không đúng phẩm chất như đã quy định trong hợp đồng.

4.  Điều khoản các mức phạt

  • Ẩm toàn phần: đổ ẩm toàn phần trên 5% sẽ được bù trừ theo khối lượng Vận đơn cho mục đích ghi hóa đơn theo tỷ lệ
  • Độ tro: 1 Dollar Mỹ cho mỗi tấn, cho 1% tro trên 12,5% cho đến 13,5%, và mức từ chối trên 13,5%
  • Chất bốc: 1 đô la cho mỗi tấn cho 0.1% chất bốc trên 1,5% tới 1,7% theo tỷ lệ, và từ chối nếu vượt quá 1,7%.
  • Lưu huỳnh: 1 đô mỗi tấn cho mỗi 0,1% lưu huỳnh vượt quá 0,7% tới 0,8% theo tỷ lệ và từ chối trên mức 0,8%
  • M10: 1 đô mỗi tấn cho mỗi 1% trên 8% tới 9% theo tỷ lệ và từ chối trên mức 9%.
  • M40: 1 đô mỗi tấn cho mỗi 1% dưới 82% tới 80% theo tỷ lệ và từ chối dưới mức 80%.
  • CSR: 1 đô mỗi tấn cho mỗi 1% dưới 62% tới 60% theo tỷ lệ và từ chối ở mức dưới 60%
  • CRI: 1 đô mỗi tấn cho mỗi 1% trên 28% tới 30% theo tỷ lệ và từ chối ở mức trên 30%
  • Cỡ hạt trên 8,0 mm: Phạt 1 đô mỗi tấn cho mỗi 1% size trên 5% tới 8% theo tỷ lệ và từ chối ở mức trên 8%
  • Cỡ hạt dưới 30mm: 1 đô mỗi tấn cho mỗi 1% cỡ hạt dưới trên 5% tới 8% theo tỷ lệ và từ chôi ở mức trên 8%
  • Photpho: 1 đô mỗi tấn cho mỗi 0,01% Photpho trên 0.030% tới 0.04% theo tỷ lệ và từ chối nếu vượt quá 0.04%

Nếu Bên Mua từ chối lô hàng theo điều này, Bên Bán sẽ ngay lập tức thương lượng với Bên Mua theo thiện chí để đồng ý mức thiết lập thương mại cho mỗi chuyến hàng.

  • Nhận xét:

Mức phạt đã được ghi rõ ràng trong hợp đồng, bên mua có thể sử dụng điều khoản này làm lợi thế trong trường hợp có tranh chấp phát sinh do hàng người bán giao không đúng phẩm chất như đã quy định trong hợp đồng.

5.  Bao bì và mã kí hiệu

Hàng hoá giao dịch trong hợp đồng là than cốc, vận chuyển hàng rời (transport in bulk) nên không cần yêu cầu đóng bao bì hoặc đóng thùng mà được chứa trực tiếp bằng các khoang hàng chống thấm nước của tàu chuyên dụng chở hàng rời (bulk carriers). Theo quy tắc quốc tế về chuyên chở hàng rời thể rắn trên biển (IMSBC Code), than cốc luyện kim được xếp và nhóm B, là nhóm hàng có thể tự cháy, gây nỏ, ăn mòn, thải khí độc hại, thải khí CO2, hút Oxy, có khả năng ăn mòn … và nếu không được cách ly, thông gió tốt sẽ đe doạ tính mạng và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

6.  Điều khoản giao nhận hàng

Thông thường, điều khoản này quy định trách nhiệm của bên bán phải thông báo cho bên mua về việc chuẩn bị xong để giao hàng, ngoài ra bên bán liệtkê những chứng từ phải giao cho bên mua để chứng minh việc giao hàng của mình.Đây là điều khoản rất quan trọng của hợp đồng, vì nó sẽ quy định nghĩa vụ cụ thể của bên bán; đồng thời cũng là ràng buộc các bên hoàn thành trách nhiệmcủa mình đối với đối phương.

Trong điều khoản giao hàng của Hợp đồng này có những nội dung cơ bản sau đây:

a)  Thời hạn giao hàng (Time of Delivery)

Người bán phải vận chuyển lô hàng trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 7 dương lịch (ngày giao hàng muộn nhất là 03/07/2015). Ngày giao hàng cho người mua không sớm hơn 11/06/2015 và không muộn hơn ngày 03/07/2015 (được gia hạn thành ngày 08/07/2015 trong phụ lục hợp đồng số 2  theo Thỏa thuận số (SG15EX-CC-040HPE ký kết ngày 01/07/2015). Thời hạn giao hàng được quy đinh theo một khoảng thời gian, đây là cách quy định dung hoà nhất vì không bắt buộc người bán phải giao hàng vào một ngày cố định, tránh được tranh chấp xảy ra nếu người bán giao hàng muộn hơn 1 – 2 ngày.

b)  Quy định về cảng xếp hàng (port of loading)

Xingang Port, Trung Quốc. Cảng xếp hàng được quy định cụ thể, rõ ràng

c)  Quy định về cảng dỡ hàng (port of discharge)

Đơn hàng được giao tại cảng Hải Phòng hoặc Cẩm Phả theo điều kiện CFR Incoterms 2010. Quy định về phương thức giao hàng:

  • Không cho phép giao hàng từng phần
  • Không cho phép chuyển tải

Như vậy hàng chỉ được giao một lần và từ cảng xếp hàng đến cảng dỡ hàng, không qua một nước thứ ba để chuyển tải. Điều này phù hợp đối với việc chở hàng rời và tránh làm mất đi ưu đãi về thuế quan nếu có chuyển tải qua một nước thứ ba theo quy định của Luật một số quốc gia.

7.  Điều khoản về giá

160 đô la Mỹ cho mỗi tấn than cốc luyện kim tro thấp theo điều kiện CFR Cẩm phả hoặc Hải Phòng, Việt Nam – Incoterms 2010

a)  Đồng tiền tính giá

Đồng tiền được sử dụng trong bản hợp đồng này là đồng USD.

Trong hợp đồng ngoại thương giá cả hàng hoá có thể được tính bằng tiền của nước người bán, có thể được tính bằng tiền củanước người mua hoặc có thể được tính bằng tiền của nước thứ ba. Đối với người bán luôn chọn đồng tiền có xu hướng tăng giá trị trên thị trường hối đoái, với người mua thì ngược lại. Trong trường hợp này, tiền của nước người bán là SGD và nước người mua là VNĐ. Chính vì thế, hai bên đã thống nhất chọn đồng tiền có giá ổn định trên thị trường hối đoái (đồng tiền có khả năng chuyển đổi cao) và được sử dụng phổ biến hơn cả: USD. Việc lựa chọn đồng tiền này trong bản hợp đồng là hợp lí, đảm bảo được sự công bằng và lợi ích cho cả bên mua và bên bán.

b)  Phương pháp tính giá

Trong bản hợp đồng này sử dụng phương pháp giá cố định. Trong phương pháp này, giá được xác định ngay trong khi đàm phán ký kết hợp đồng và không thay đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng. Phương pháp này chỉ nên dùng với các hợp đồng có giá trị nhỏ, thời gian thực hiện ngắn, giá cả trên thị trường ổn định. Không nên dùng phương pháp này với những thương vụ mua bán hàng chiến lược, thời gian thực hiện dài, giá cả lại biến động mạnh trên thị trường có thể gây thiệt hại cho một trong hai bên, không hài hòa quyền lợi. Xét đến các yếu tố ưu nhược điểm trên, hợp đồng này lựa chọn theo phương pháp giá cố định là hoàn toàn phù hợp.

c)  Đơn giá

Mặt hàng than cốc luyện kim tro thấp thường chủ yếu được khai thác và sản xuất ở hai quốc gia là Ấn Độ và Trung Quốc. Nhóm đã gửi mail xin báo giá đến các công ty xuất khẩu chủ yếu than cốc ở các quốc gia này nhưng chỉ nhận được phản hồi từ một công ty Trung Quốc là công ty này chỉ giao dịch nội địa và không có khả năng xuất khẩu. Tuy nhiên theo như giá trung bình tham khảo trên các trang thương mại điện tử như Indiamart.com và Alibaba.com, đối với hàng là than cốc luyện kim thì giá trung bình được niêm yết là vào khoảng tầm 190-250 USD một tấn (Khối lượng mua ít nhất là 500 tấn). Chính vì thế mức giá mà công ty XYZ RESOURCES SINGAPORE đưa ra là hoàn toàn hợp lý.

III. PHÂN TÍCH VỀ QUY TRÌNH VẬN CHUYỂN

Vận chuyển hàng hóa theo điều kiện CFR Incoterms 2010

Người bán chịu các phí tổn và trả cước vận chuyển đến cảng đích. Thời điểm chuyển giao rủi ro từ người bán sang người mua là ngay sau khi hàng được giao lên tàu  tại cảng xuất. Người bán có nghĩa vụ làm các thủ tục xuất khẩu. Điều khoản này chỉ áp dụng cho vận chuyển đường biển và đường thuỷ nội địa.

1.  Điểm chuyển giao rủi ro

Người bán giao hàng tại cảng XingangPort, China. Tức là người bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng của mình sau khi đã giao hàng lên tàu tại cảng Xingang Trung Quốc trong tình trạng tốt. Sau thời điểm người bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng, mọi rủi ro về mất mát, hư hại đối với hàng hóa cũng như mọi chi phí phát sinh thêm do người mua chịu.

2.  Điểm chuyển giao chi phí

Cảng Hải Phòng hoặc Cẩm Phả,Việt Nam. Theo điều kiện CFR Incoterms 2010, người bán có nghĩa vụ thuê tàu vận chuyển hàng đến nước người mua. Vì vậy mọi chi phí liên quan đến việc thuê phương tiện vận tải sẽ do người bán ký kết hợp đồng và trả. Tại cảng đến ở nước người mua, người bán không chịu chi phí dỡ hàng mà do người mua trả vì đã được quy định trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế và không bao gồm trong cước phí vận tải. Và sau khi hàng được dỡ khỏi tàu, mọi chi phí liên quan đến hàng hoá sẽ do người mua chịu.

3.  Cước phí vận tải quốc tế

Theo CFR Incoterms 2010, người bán kí hợp đồng vận chuyển với bên thứ ba, chịu trách nhiệm trả cước phí cho chặng vận tải quốc tế đến cảng Hải Phòng hoặc Cẩm Phả Việt Nam. Tuy nhiên, người bán – công ty XYZ RESOURCES  SINGAPORE có dịch vụ logistics trực thuộc tập đoàn XYZ GROUP nên có thể không thông qua bên thứ ba mà trực tiếp vận chuyển nếu có phương tiện.

Người mua/ Người nhận hàng phải dỡ hàng và Người bán không phải chịu rủi ro và chi phí theo điều luật IMSBC.

4.  Điều khoản giao hàng

a)  Thời hạn giao hàng

Việc giao hàng không được thực hiện sớm hơn 11/06/2015 nhưng không muộn hơn 03/07/2015 (được gia hạn thành ngày 08/07/2015 trong phụ lục hợp đồng số 2  theo Thỏa thuận số (SG15EX-CC-040HPE ký kết ngày 01/07/2015).

b)  Địa điểm giao hàng

Cảng bốc Xingang, China

c)  Lấy mẫu phân tích và đo khối lượng tại cảng bốc hàng

  • Lấy mẫu phân tích và xác định chất lượng

Theo Khoản 10 trong hợp đồng, hai bên đã thoả thuận chất lượng sản phẩm ở cảng bốc sẽ được xác định bằng chứng thư phân tích và lấy mẫu phát hành bởi đơn vị giám định độc lập là SGS-CSTC (SGS) hoặc Inspectorate (Thượng Hải). Phương pháp áp dụng là ISO, ngoại trừ phương pháp ASTM cho CSR và CRI. Chi phí cho việc quyết định việc lấy mẫu, phân tích và chất lượng và việc cấp phát chứng thư tương ứng sẽ do người bán chịu.

Trong trường hợp khác biệt về chất lượng vượt quá tỷ lệ cho phép của phòng thí nghiệm, người bán phải để nộp mẫu được lấy bởi SGS hoặc Inspectorate tại cảng bốc để phân tích tại phòng thí nghiệm độc lập tại nước thứ ba do hai bên thỏa thuận. Chi phí cho phân tích thêm này do bên yêu cầu chịu

Trong trường hợp kết quả phân tích sai lệnh nhiều hơn dung sai cho phép của phòng thí nghiệm từ kết quả phân tích cảng bốc, kết quả mẫu này sẽ có giá trị cuối cùng. Theo đó, người mua sẽ khiếu nại người bán tại tỷ lệ đề cập bên trên. Người mua sẽ xuất trình người bán bản thông báo kết quả gốc tại cảng dỡ với đầy đủ chi tiết rong vòng 30 ngày sau khi hoàn thành bốc hàng tại cảng đến.

Hình 9. Biên bản chứng nhận chất lượng

  • Xác định khối lượng:

Khối lượng được giám định bằng phương pháp đo mớn nước. (Nguyên lý của phương pháp giám định khối lượng qua mớn nước được xây dựng trên cơ sở định luật Archimedes). Để xác định khối lượng hàng, phải đo mớn nước và căn cứ vào tài liệu tính toán để tính ra lượng choán nước của phương tiện vận tải thủy trước và sau khi xếp/dỡ hàng, đồng thời xác định tỉ trọng nước ở khu vực phương tiện neo đậu, trên cơ sở đó tính ra khối lượng hàng. Mức độ chính xác của kết quả giám định phụ thuộc vào một số yếu tố khách quan và chủ quan, ví dụ như tuổi hoạt động của phương tiện vận tải, các khác biệt do bảo dưỡng, sửa chữa so với thiết kế gốc, đăng kiểm, mức độ đáp ứng của tài liệu tính toán, điều kiện thực hiện vụ giám định, ý thức tuân thủ nghiêm ngặt các phương pháp/quy trình giám định cũng như trình độ, tay nghề và kỹ năng, kinh nghiệm đo đạc, tính toán và xử lý các vấn đề phát sinh của giám định viên… Độ chính xác của phương pháp này thấp hơn phương pháp cân, thông lệ quốc tế thường chấp nhận mức sai số cho phép là +/- 0,5%.

Với trọng lượng hàng thực giao là 8000MT thì không thể dùng những phương pháp khác ngoài phương pháp đo mớn nước, nên quy đinh của điều khoản này là phù hợp với điều kiện giao dịch.

5.  Thông báo giao hàng

Hợp đồng không quy định về số lần thông báo giao hàng và những nội dung thông báo. Các bên nên có thông báo trước khi giao hàng và sau khi giao hàng bên nhận thông báo có thời gian chuẩn bị. Đồng thời nó cũng ràng buộc trách nhiệm của bên thông báo nếu không thực hiện đúng như thông báo dẫn tới rủi ro, mất mát về hàng hóa

Thông báo này có ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của cả 2 bên và thời gian thực hiện hợp đồng. VD: làm tăng chi phí do kéo dài thời gian giao hàng, thiệt hại về kinh tế cho bên mua,…Nếu trong 10 ngày, bên bán không thông báo dẫn đến giao hàng chậm trễ so với thời gian giao hàng, bên mua có thể chấm dứt hợp đồng và đòi bồi thường mọi thiệt hại và chi phí v.v mà nó có thể bị / phải gánh chịu hậu quả nếu có.

Theo điều kiện CFR Incoterms 2010, người bán sẽ phải thông báo giao hàng đến người mua một lần, sau khi giao hàng lên phương tiện vận chuyển. Nội dung thông báo sẽ về tình trạng hàng sau khi xếp hàng lên tàu gồm số lượng hàng, chất lượng hàng, vận đơn, thời điểm tàu đến dự kiến. Người mua sau khi nhận được thông báo sẽ có thể nắm được tình hình hàng hóa, chuẩn bị nhận hàng và mua bảo hiểm cho hàng hóa.

Thông báo giao hàng sẽ được gửi cho người mua bằng telex hoặc fax và sau đó là bằng văn bản – quy định tại khoản 16 trong hợp đồng.

6.  Vận đơn

a)  Vận đơn là gì?

Vận đơn là chứng từ vận tải do người chuyên chở cấp cho người gửi hàng sau khi nhận hàng để xếp (vận đơn “receive for shipment”) hoặc khi hàng đã được xếp lên tàu (vận đơn “on board”).

Vận đơn gồm 3 chức năng cơ bản sau:

  • Là một biên lai của người chuyên chở xác nhận là họ đã nhận hàng để chở.
  • Là một bằng chứng về những điều khoản của một hợp đồng vận tải đường biển.
  • Là một chứng từ sở hữu hàng hóa

b)  Vận đơn theo hợp đồng

Vận đơn theo hợp đồng là Master Bill

Master Bill: là vận đơn mà hãng tàu phát hành cho khách hàng trực tiếp, cụ thể trên bill thể hiện người gửi hàng và người nhận hàng thực tế của lô hàng. Master bill là một bill do hãng tàu phát hành cho shiper, bill này chỉ có người sở hữu tàu mới được quyền phát hành.

  • Ưu điểm: vì Master Bill là bill do hãng tàu phát hành, người bán (shipper) là người đứng tên trên bill do đó nếu rủi ro xảy ra người bán vẫn là pháp nhân trực tiếp giải quyết với hãng tàu. Còn House Bill thì khi rủi ro xảy ra, người gửi hàng rất bị động vì không thể đem house bill để thưa kiện hãng tàu.
  • Hợp đồng bao gồm một bản drap vận đơn trực tiếp cho người vận chuyển. Bản drap còn thiếu tên đơn vị vận chuyển , logo,… do đơn vị này điền.
  • Vận đơn sạch: không có phê chú xấu của người chuyên chở lên vận đơn về tình trạng hàng hóa khi hãng tàu nhận hàng từ người gửi hàng, được coi như là bằng chứng giao hàng của người bán đối với người mua.
  • Vận đơn bao gồm 2 mặt:
  • Mặt 1:
  • Số  vận đơn (number of bill of lading): GS036A
  • Người gửi hàng (shipper): XYZ RESOURCES SINGAPORE COMPANY PTE. LTD.
  • Người nhận hàng (consignee):

Vận đơn theo lệnh “To order B/L”:

Là vận đơn mà hàng hoá ghi trong vận đơn đó sẽ được giao theo lệnh của một người nào đó bằng cách ký hậu lên mặt sau của vận đơn.

Trong L/C quy định: MADE OUT TO ORDER OF VIETINBANK DONGDA BRANCH OR MADE OUT TO ORDER AND ENDORSES TO ORDER OF VIETINBANK DONG DA BRANCH” – nghĩa là: phát hành theo lệnh của VIETINBANK DONGDA BRANCH. Như vậy ở mục Consignee trên B/L bạn phải thể hiện là: TO ORDER OF VIETINBANK DONGDA BRANCH.

Trong trường hợp này VIETINBANK DONG DA BRANCH phải có trách nhiệm ký hậu vận đơn (Endorse) cho nhà nhập khẩu thì nhà nhập khẩu mới có thể mang B/L này đi lấy hàng được.

Vì đơn hàng được thanh toàn bằng L/C nên nếu sử dụng phương pháp này thì người bán hàng không phải lo lắng về chuyện thanh toán mà lại là ngân hàng và khi hàng về mà người nhận hàng chưa hoặc không thành toán thì ngân hàng sẽ giữ lô hàng này lại, trong trường hợp xấu nhất thì ngân hàng có thể ký hậu cho người nhận hàng

  • Ðịa chỉ  thông báo (notify address): không có
  • Tên tàu (vessel hay name of ship): MV Coral Vessel
  • Cảng xếp hàng (port of loading): Xingang port, China
  • Cảng chuyển tải (visa or transhipment port): không có
  • Cảng dỡ hàng (port of discharge): Hai Phong or Cam Pha port, Vietnam
  • Tên hàng (name of goods): Low ash metallurgical coke
  • Cách đóng gói và mô tả hàng hoá (kind of packages and discriptions of goods): in bulk
  • Trọng lượng toàn bộ hay thể tích (total weight or mesurement): 8000MT
  • Phê chú của thuyền trưởng: CLEAN ON BOARD – hàng hoá đã được người mua là công ty CP XYZ Resources Singapore giao lên tàu vận chuyển trong tình trạng tốt, còn nguyên vẹn và hoàn thành nghĩa vụ giao hàng của mình.
  • Cước phí và chi phí (freight and charges):
  • Trong L/C quy định :
  • Cước phí trả trước (Freight Prepaid): Freight prepaid là cước mà người bán phải trả tại cảng bốc hàng, đồng nghĩa với việc hàng muốn lên tàu thì người bán phải trả cước trước (hãng tàu không chấp nhận công nợ)
  • Thanh toán cước phí như bên thuê tàu (Freight Payable as per charter party)
  • Trả trước một phần và trả sau một phần (advance freight)
  • Số  bản vận đơn gốc (number of original bill of lading): Đây là chứng từ quan trọng để chứng minh được là vận đơn đã đủ bộ hay chưa. ( theo L/C quy định là FULL SET): three (3)
  • Thời gian và địa điểm cấp vận đơn (place and date of issue): Việc bốc hàng lên tàu có thể được chỉ ra bằng từ ngữ đã được in từ trước trên mặt vận tảiđơn rằng hàng đã được bốc xong lên tàu hoặc giao trên một con tàu đích danh (tàu MV. Coral Hero). Trường hợp này, ngày phát hành vận tải đơn được coi là ngày bốc hàng lên tàu và là ngày giao hàng, ngày 3/7/2015
  • Chữ  ký của người vận tải (thường là master’s signature): Sign as agent for and on behalf of the master. Tên trên con dấu đóng trên B/L là đại lý (agent) ký xác nhận thay mặt thuyền trưởng, chủ tàu.
  • Mặt 2:

Gồm những quy định có liên quan đến vận chuyển do hãng tàu in sẵn, người thuê tàu không có quyền bổ  sung hay sửa đổi mà mặc nhiên phải chấp nhận nó. Mặt hai của vận đơn mặc dù là các điều khoản do các hãng tàu tự ý quy định, nhưng nội dung của nó phù hợp với quy định của Hiệp hội Vận tải Biển Quốc tế

  • Vận đơn bao gồm 03 bản gốc và bản sao: (3 bản gốc cho người gửi, người vận chuyển và người nhận hàng. Khi nhận hàng, người nhận hàng đưa vận đơn gốc cho người vận chuyển)
  • Vận đơn gốc (Original B/L) : bản có chữ ký bằng tay (manually signed), có thể không có dấu “Original” và có thể giao dịch, chuyển nhượng được.
  • Vận đơn bản sao (Copy B/L): đóng dấu chữ “Copy” lên mặt trước của vận đơn. Để cẩn thận hơn, trên một số vận đơn được in thêm dòng chữ ” Non- negotiable”

7.  Hợp đồng vận tải

a)  Đặt tàu

Hợp đồng thuê tàu không được đính kèm trong bộ hợp đồng, vì hàng được vận chuyển theo điều khoản CFR, Incoterms 2010. Theo Incoterms 2010, “người bán phải ký hợp đồng vận tải hàng hóa từ một điểm giao hang quy định, nếu có, tại nơi giao hàng đến cảng đến chỉ định, hoặc tới bất kỳ địa điểm nào tại cảng đến.” Như vậy, người bán hoàn toàn quyết định đơn vị, công ty chịu trách nhiệm vận tải; mặt khác, người mua không có nghĩa vụ đối với người bán về việc lý kết hợp đồng vận tải.

Như vậy, việc chọn tàu vận tải không được quyết định khi ký kết hợp đồng mà do người bán quyết định khi giao hàng. Mặt khác, trong hợp đồng có bổ sung một số quy định về yêu cầu kĩ thuật tàu và nghĩa vụ của người bán về việc chỉ định tàu tàu với người mua trước ngày vận chuyển.

Do cảng giao hàng chưa cố định cảng nào và khối lượng hàng hoá trao đổi khá lớn nên có thể thấy người bán đã thuê tàu chuyến để chở hàng. Tàu chuyến có những đặc điểm như:

  • Không chạy theo một hành trình hoặc một lịch trình sẵn
  • Ðối tượng chuyên chở thường là những loại hàng có khối lượng lớn, tính chất của hàng hoá chuyên chở tương đối thuần nhất và thường chở đầy tàu
  • Tàu vận chuyển theo phương thức chuyến thường có cấu tạo một boong, miệng hầm lớn để thuận tiện cho việc bốc hàng
  • Ðiều kiện chuyên chở: Khác với tàu chợ, đối với tàu chuyến, điều kiện chuyên chở, cước phí, chi phí dỡ hàng hoá lên xuống …. được quy định cụ thể trong hợp đồng thuê tàu do người thuê và người cho thuê thoả thuận.
  • Văn bản điều chỉnh giữa các bên gồm có hợp đồng thuê tàu chuyến và vận đơn đường biển.
  • Các bên trong hợp đồng thuê tàu chuyến có thể tự do thoả thuận các điều khoản, điều kiện chuyên chở, giá cước…
  • Cước phí: khác với tàu chợ, cước tàu chuyến do người đi thuê và người cho thuê thoả thuận và được ghi rõ trong hợp đồng thuê tàu, nó có thể bao gồm chi phí xếp dỡ hay không là tuỳ quy định. Có thể tính cước theo khối lượng, giá cước thuê bao hoặc theo tấn dung tích đăng ký tịnh (net register tonnage = NRT). (Nó phụ thuộc vào thị trường tàu, tàu chuyên chở, khối lượng hàng chuyên chở và độ dài tuyến đường)

Từ những đặc điểm trên có thể thấy rõ là phương thức thuê tàu chuyến đem lại cho người mua những lợi ích sau:

  • Giúp người mua giảm được giá cước thuê tàu
  • Không bị ràng buộc bởi những điều kiện giao dịch thương mại quy định sẵn mà được tự do thương lượng, thoả thuận với người cho thuê tàu về các điều kiện thuê, mức cước, nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
  • Do tàu chuyến thường chạy thẳng từ cảng xếp hàng tới cảng dỡ hàng nên hàng hoá được vận chuyển một cách nhanh chóng, chủ hàng tiết kiệm được thời gian hành trình trên biển.

Tuy nhiên nếu người mua chưa có kinh nghiệm đi thuê tàu và các kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng có thể sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các nghiệp vụ thuê tàu phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian giao dịch và bị thuê với cước phí cao do giá cước thường xuyên biến động trên thị trường thuê tàu. Trong bộ hợp đồng không đính kèm hợp đồng thuê tàu và theo như nhóm đã phân tích ở trên, tập đoàn XYZ là một tập đoàn có nhiều ngành kinh doanh trong đó có cả Logistics nên vận chuyển có thể do công ty Logistics của tập đoàn đảm nhận, vì vậy có thể tránh được những rủi ro trong quá trình thuê tàu.

b)  Về yêu cầu kĩ thuật của tàu

“Tàu rời tối đa 20 tuổi có, tự cân chỉnh, không có chướng ngại vật trong hầm, tối thiểu 4 cẩu 20 tấn hoạt động tốt”

Tàu hàng rời: tàu biển tự chạy, chủ yếu được dùng để chở hàng khô dạng rời (trừ tàu chở quặng và tàu chở hàng hỗn hợp), nói chung tàu có kết cấu boong đơn, đáy đôi, có các két hông và các két đỉnh mạn, có kết cấu mạn đơn hoặc mạn kép trong phạm vi chiều dài khoang hàng. Tàu thích hợp để chở hàng hóa trong hợp đồng là than coke luyện kim.

Nghĩa vụ của người bán về việc chỉ định tàu với người mua:

Người Bán có nghĩa vụ chỉ định tàu cho Người Mua chậm nhất 10 ngày trước ngày giao hàng muộn nhất 10 ngày. Người Mua sẽ báo cho Người Bán chấp thuận hay từ chối tàu chỉ định trong vòng 24 giờ sau khi nhận được chỉ định tàu. Trong trường hợp tàu không đạt yêu cầu như hợp đồng, Người Mua có quyền từ chối và Người Bán có quyền từ chối tàu chỉ định và Người Mua phải chỉ định tàu thay thế trong vòng 2 ngày kể từ ngày từ chối tàu. Nếu Người Mua không chất thuận hoặc từ chối chỉ định tàu của Người Bán trong vòng 24 giờ, người Mua không có quyền từ chối tàu chỉ định. Taù không được từ chối không có lý do, Người Bán chỉ có thể phát hành Bảo lãnh nhận hàng cho việc dỡ hàng, nhưng không được thả hay vận chuyển lô hàng. Nếu bất cứ thay đổi (bao gồm cả phí phạt) do Người Mua yêu cầu vận chuyển lô hàng mà không có sự có mặt của Vận đơn gốc thì Người Mua sẽ phải chịu phí đó.

Như vậy, hợp đồng quy định người mua cần được thông báo về tàu được chỉ định từ người bán 10 ngày trước ngày giao hàng và tàu được chỉ định cần có sự chấp nhận của người mua để có thể được đưa vào vận tải hàng.

c)  Dỡ hàng

  • Cảng dỡ hàng: Hải Phòng hoặc Cẩm Phả, Việt Nam

Theo thỏa thuận hợp đồng, hàng được giao theo quy tắc CFR, Incoterms 2010. Quy tắc này có hai điểm tới hạn, vì rủi ro và chi phí di chuyển tại những nơi khác nhau. Vì vậy, hợp đồng có quy định cảng đến cũng như cảng dỡ hàng là CFR HAI PHONG hoặc CAM PHA PORT. Việc quy định rõ cảng dỡ hàng giúp chỉ ra điểm di chuyển chi phí từ người mua sang người bán. Như vậy người mua chịu chi phí dỡ hàng từ tàu xuống cảng đến vì cước phí này không nằm trong cước vận tải đã trả bởi người bán.

  • Tốc độ dỡ hàng và quy định thưởng phạt:

Mức xếp dỡ bình quân được quy định là 2000 tấn một ngày, thời hạn làm hàng là những ngày làm việc thời tiết tốt, kể cả ngày lễ và chủ nhật.

Người mua chịu trách nhiệm dỡ hàng, sử dụng cầu tàu và thu xếp ngoạm bằng chi phí của mình. Bên mua có nghĩa vụ phải dỡ hàng trong thời gian làm hàng cho phép, tính từ thời điểm cam kết dỡ hàng sau đó thời gian phạt sẽ được trả bởi Bên Mua cho Bên Bán cho tất cả thời gian đã mất sau khi hết hạn làm hàng tương ứng 24 giờ. Nếu tàu được dỡ hàng sớm hơn dự kiến, Bên Mua sẽ phải trả tiền thưởng cho Bên Bán cho thời gian làm hàng, tiền thưởng bằng một nửa tiền phạt. Điều này giúp Bên Mua dỡ hàng nhanh chóng hơn, tiết kiệm chi phí lưu tàu cho Bên Bán. Mặc dù vậy, hợp đồng vẫn chưa quy định rõ về mức thưởng và phạt cụ thể khi dỡ hàng nhanh hoặc chậm mà chỉ quy định mức tiền thưởng bằng ½ tiền phạt.

Tuy nhiên trong hợp đồng chưa đề rõ mức thưởng nếu là hàng nhanh và mức phạt nếu làm hàng chậm, nên có thể đây là khoản mục chưa được chặt chẽ của hợp đồng.

  • Tính toán thời gian làm hàng:

Tại cảng dỡ hàng, thông báo dỡ hàng (NOR) được phát hành bất cứ thời gian nào trong ngày và đêm căn cứ theo thời điểm tàu đến cảng dỡ hàng, tàu vào bến hay chưa, tàu cập cảng hay chưa,WCCON,WIFPON, tàu đủ điều kiện dỡ hàng. Thời gian làm hàng sẽ được tính 12 giờ sau thời điểm NOR phát hành hoặc nếu việc dỡ hàng bắt đầu sớm hơn thời gian thực tế sẽ được tính.

Nếu tàu không vào được cảng do cảng bốc neo chưa sẵn sàng hoặc chưa được phép của cơ quan chính quyền và thuyền trưởng đảm bảo rằng tàu đã sẵn sàng bốc hàng thì thuyền trưởng có thể thông báo bằng văn bản qua đại lý cho dù đã hoàn thành thông quan hay chưa

Thời gian xử lý từ trạm hoa tiêu đến neo sẽ không được tính vào laytime, cho dù tàu đã sẵn sang . Thời gian đo mớn đầu tiên tàu không tính vào laytime. Thởi gian hoàn thành đo mớn sau cùng sẽ được tính vào laytime. Thời gian mở và đóng hầm hàng không tính vào laytime. Laytime dừng tính khi hoàn thành đo mớn cuối cùng

Thời gian làm hàng sẽ kết thúc khi đo mớn cuối cùng được hoàn thành. Một khi bị phạt thì luôn luôn bị phạt.

Laytime tại cảng dỡ được xác nhật và đồng ý trong vòng 30 ngày và thưởng phạt sẽ được thanh toán trong vòng 30 ngày kể từ ngày tàu rời cảng dỡ cùng các tài liệu có liên quan được chuyển tới người bán.

  • Nhận xét:

Hai bên đã thoả thuận rõ ràng về thời gian làm hàng khi tàu cập cảng dỡ hàng. Khi đó hàng hoàn toàn nằm trong kiểm soát của người mua và người mua có nghĩa vụ và trách nhiệm phải dỡ hàng như quy định trong hợp đồng, người bán đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng của mình.

IV.  PHÂN TÍCH VỀ ĐIỀU KHOẢN MUA BẢO HIỂM

1.  Điều kiện bảo hiểm cho hàng hoá

Theo Incoterms 2010, đối với điều kiện CFR, Bên Bán không có nghĩa vụ mua bảo hiểm từ cảng bốc xếp đến cảng đích. Vì vậy, hợp đồng cần quy định bên nào sẽ phải chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cho hàng hóa. Hợp đồng có quy định:

“Được thực hiện bởi người mua. Người bán sẽ fax số đơn hàng, tên tàu, tổng khối lượng được vận chuyển như giám định mớn của tàu, số vận đơn, ngày và khối lượng và ngày khởi hành của tàu đến người mua trong vòng 48h từ khi tàu khởi hành ở cảng.”

Như vậy, Bên Mua sẽ là bên chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cho hàng hóa, còn Bên bán cung cấp cho bên mua các thông tin cần thiết để mua bảo hiểm. Do hợp đồng không quy định điều kiện bảo hiểm cụ thể mà chỉ chỉ định Người Mua là bên mua bảo hiểm cho hàng hoá nên Bên Mua sẽ mua bảo hiểm theo điều kiện của Incoterms 2010. Trong đó quy định như sau:

  • Phải mua bảo hiểm từ một công ty bảo hiểm có uy tín
  • Điều kiện bảo hiểm tối thiểu phải tương đương điều kiện bảo hiểm loại C của Hiệp hội bảo hiểm London
  • Thời hạn bảo hiểm: từ địa điểm giao hàng là cảng Xingang Trung Quốc đến cảng Hải Phòng hoặc Cẩm Phả Việt Nam
  • Đồng tiền bảo hiểm: trùng với đồng tiền trong hợp đồng là USD
  • Giá trị bảo hiểm: 110% giá trị ghi trên hoá đơn (trong đó 10% là lãi dự kiến để người mua bảo hiểm chi trả các chi phí như tìm môi giới,…)
  • Phí bảo hiểm: CIF = (C + F) / (1 – R) với R là tỷ lệ phí bảo hiểm

                              I = CIF x R                          F là cước phí vận tải

  • Chứng từ bảo hiểm/ Đơn bảo hiểm có thể chuyển giao (cho phép người mua trực tiếp khiếu nại công ty bảo hiểm)

Do nhóm không xin được hợp đồng mua bảo hiểm từ công ty CP năng lượng ABC nên xin được trình bày các phân tích cơ bản về điều kiện bảo hiểm và đưa ra một số công ty bảo hiểm của Việt Nam.

  • “Điều kiện bảo hiểm loại C (Institute Cargo Clauses C – ICC-C).
  • Rủi ro được bảo hiểm:
  • Cháy hoặc nổ;
  • Tàu hay xà lan bị mắc cạn, đắm hoặc lật úp;
  • Tàu đâm va nhau hoặc tàu, xà lan hay phương tiện vận chuyển đâm và phải bất kỳ vật thể gì bên ngoài không kể nước hoặc bị mất tích;
  • Dỡ hàng tại cảng lánh nạn;
  • Phương tiện vận chuyển đường bộ bị lật đổ hoặc bị trật bánh;
  • Hy sinh vì tổn thất chung;
  • Ném hàng khỏi tàu.
  • Những tổn thất, chi phí và trách nhiệm khác:
  • Tổn thất chung và chi phí cứu hộ được điều chỉnh hay xác định bằng hợp đồng vận tải hoặc theo luật lệ và tập quán hiện hành;
  • Những chi phí và tiền công hợp lý cho việc dỡ hàng lưu kho và gửi tiếp hàng hoá được bảo hiểm tại cảng dọc đường hay cảng lánh nạn do hậu quả của một rủi ro thuộc phạm vi hợp đồng bảo hiểm;
  • Những chi phí mà người được bảo hiểm hoặc đại lý của họ đã chi nhằm phòng tránh hoặc giảm nhẹ tổn thất cho hàng hoá được bảo hiểm hoặc những chi phí kiện tụng để đòi người thứ ba bồi thường;
  • Phần trách nhiệm mà người được bảo hiểm phải chịu theo điều khoản ” hai bên cùng có lỗi” ghi trong hợp đồng vận tải. Rủi ro loại trừ : Trừ khi có thoả thuận khác, người bảo hiểm không chịu trách nhiệm đối với những mất mát, hư hỏng hay chi phí gây ra bởi:
  • Chiến tranh, nội chiến, cách mạng, khởi nghĩa hoặc hành động thù địch;
  • Việc chiếm, bắt giữ, cầm giữ tài sản hoặc kiềm chế và hậu quả của chúng; Điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển 2/6 – Mìn, thuỷ lôi, bom hay những vũ khí chiến tranh khác đang trôi dạt;
  • Đình công, cấm xưởng, rối loạn lao động hoặc bạo động;
  • Người đình công, công nhân bị cấm xưởng, người gây rối loạn lao động hoặc bạo động, kẻ khủng bố hay hành động vì động cơ chính trị;
  • Việc sử dụng các vũ khí chiến tranh có dùng đến năng lượng nguyên tử, hạt nhân hoặc chất phóng xạ;
  • Khuyết tật vốn có tính chất đặc biệt của hàng hoá bảo hiểm;
  • Hành động ác ý hay cố ý của bất cứ người nào.
  • Trong mọi trường hợp, người bảo hiểm không chịu trách nhiệm đối với những mất mát, hư hỏng và chi phí do:
  • Việc làm xấu cố ý của người được bảo hiểm;
  • Chậm chễ là nguyên nhân trực tiếp;
  • Tàu hay xà lan không đủ khả năng đi biển và do tàu, xà lan, phương tiện vận chuyển hoặc container không thích hợp cho việc chuyên chở hàng hoá mà người được bảo hiểm hay người làm công cho họ đã biết về tình trạng đó vào thời gian bốc xếp hàng hoá ;
  • Bao bì không đầy đủ hoặc không thích hợp;
  • Hao hụt tự nhiên, hao mòn tự nhiên, dò chảy thông thường;
  • Chủ tàu, người quản lý tàu hoặc thuê tàu không trả được nợ hoặc thiếu thốn về mặt tài chính gây ra
  • Loại trừ các rủi ro của điều kiện bảo hiểm loại B:
  • Tổn thất do động đất, núi lửa phun hoặc sét đánh (trên biển hoặc đường bộ)
  • Tốn thất do nước cuốn trôi khỏi tàu hoặc nước biển, sông, hồ chảy vào tàu, sà lan, hầm hàng, nơi chứa hàng (không phải nước mưa)
  • Tổn thất toàn bộ của bất kỳ kiện hàng nào do rơi khỏi tàu hoặc rơi trong khi xếp hàng lên hoay đang dỡ hàng khỏi tàu hoặc xà lan
  • Loại trừ các rủi ro của điều kiện bảo hiểm loại A
  • Tổn thất do manh động – hành động phá hoại của thuỷ thủ đoàn
  • Cướp biển
  • Các rủi ro phụ như mất trộm, mất cắp; hư hỏng đổ vỡ (cong, bẹp, gỉ, hấp hơi, …); không giao hàng, thiếu hàng …; và tất cả rủi ro khác …
  • Nhận xét:

Do hợp đồng chỉ quy định Người mua, ở đây là công ty CP năng lượng ABC, là bên mua bảo hiểm cho hàng hoá nên Người mua chỉ cần mua bảo hiểm với điều kiện bảo hiểm tối thiểu tương đương điều kiện bảo hiểm loại C của Hiệp hội bảo hiểm London với những điều kiện đã được liệt kê như trên. Điều kiện bảo hiểm loại C chỉ bao gồm những điều kiện cơ bản để bảo hiểm cho hàng hoá tránh khỏi một số rủi ro khách quan khi vận chuyển trên biển nên giá trị của bảo hiểm tương đối thấp so với bảo hiểm loại A và B. Tuy nhiên nếu phía công ty muốn được bảo hiểm nhiều rủi ro hơn nhưng vẫn mua theo điều kiện loại C thì có thể mua thêm bảo hiểm cho rủi ro phụ, nhưng không quá hai rủi ro. Nếu mua từ ba rủi ro phụ trở lên thì phí bảo hiểm nộp thêm đúng bằng phí bảo hiểm điều kiện loại A và B. Thông thường Việt Nam khi tham gia vào thương mại quốc tế thường lựa chọn điều kiên FOB khi nhập khẩu và CIF khi xuất khẩu để hạn chế những rủi ro mà các doanh nghiệp trong nước phải chịu khi hàng hoá di chuyển trên hành trình, đồng thời cũng bởi vì ngành bảo hiểm trong nước còn non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm đối với bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu. Ở đây, người mua là công ty CP năng lượng ABC lựa chọn nhập khẩu theo điều kiện CFR – Incoterms 2010, có tác dụng đóng góp vào sự phát triển của ngành bảo hiểm trong nước và làm tăng thêm phần giá trị gia tăng khi tham gia vào mua bán quốc tế.

2.  Một số công ty bảo hiểm tại Việt Nam

Để tiến hành thủ tục mua bảo hiểm cho lô hàng than cốc luyện kim tro thấp nhập khẩu, trước hết nhóm sinh viên đã tìm hiểu, nghiên cứu trên thị trường Việt Nam một số công ty bảo hiểm có uy tín và gửi email xin báo giá về tỷ lệ phí bảo hiểm cũng như các điều kiện bảo hiểm cho hàng hoá xuất nhập khẩu.

Theo báo cáo của CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam về xếp hạng các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, đứng đầu là Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt, thứ hai là Tổng công ty cổ phần Bảo Minh và xếp thứ ba là Tổng công ty bảo hiểm PVI,… Nhóm nghiên cứu đã gửi email cho Công ty bảo hiểm Bảo Việt, Công ty cổ phần Bảo Minh, Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Petrolimex và Bảo hiểm Bưu điện nhưng chỉ có ba trên năm công ty hồi đáp thư xin báo giá.

Hình 12. Mẫu thư xin báo giá tỷ lệ phí bảo hiểm

  • Công ty Bảo hiểm Bảo Việt

Mặc dù trong quá trình trao đổi đàm phán có mất thời gian hơn so với hai công ty có phản hồi còn lại, nhưng cách thức trả lời và yêu cầu khách hàng cung cấp thêm thông tin chi tiết và gửi trước điều kiện bảo hiểm của mặt hàng là than nhập khẩu của công ty Bảo hiểm Bảo Việt có vẻ chuyên nghiệp hơn hẳn. Và sau một ngày trao đổi thông tin hàng hoá và hợp đồng thương mại, công ty Bảo hiểm Bảo hiểm đã gửi lại mức tỷ lệ phí bảo hiểm là 0,07% và đính kèm là giấy yêu cầu để đi đến ký kết hợp đồng bảo hiểm. Công ty đính kèm đơn yêu cầu là để khách hàng mua bảo hiểm có thể đưa ra những yêu cầu bảo hiểm cụ thể, chi tiết để hai bên tiến hành đàm phán về giá và các điều kiện liên quan như thanh toán, thời hạn hiệu lực, bồi thường, khiếu nại, … Hơn nữa, mức phí bảo hiểm của công ty đưa ra là 0,07%, thấp hơn của công ty Bảo hiểm PVI là một thế mạnh khác của Bảo Việt so với đối thủ cạnh tranh là PVI.

Như vậy, với cách làm việc cẩn thận và chuyên nghiệp, kết hợp với mức phí bảo hiểm rất cạnh tranh, dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ của công ty Bảo hiểm Bảo Việt xứng đáng được khách hàng tin tưởng hàng đầu tại Việt Nam.

Hình 13. Email trả lời của công ty bảo hiểm Bảo Việt

Hình 14. Phản hồi về tỷ lệ phí bảo hiểm kèm thoe đơn yêu cầu

  • Công ty Cổ phần Bảo Minh

Công ty Cổ phần Bảo Minh mặc dù xếp hạng thứ hai trong Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín 2017, nhưng dường như thái độ làm việc thiếu nghiêm túc. Sau hôm nhóm gửi email xin báo giá tỷ lệ phí bảo hiểm, công ty có cử nhân viên sale gọi điện lại xác nhận đơn hàng nhưng không thấy gửi lại báo giá chi tiết và hợp đồng bảo hiểm.

  • Công ty Bảo hiểm PVI

Sau khi gửi email xin báo giá bảo hiểm, ngay hôm sau đã có nhân viên bên bộ phận khách hàng của công ty gọi điện trao đổi chi tiết về lô hàng nhập khẩu than cốc luyện kim của công ty CP Năng lượng ABC và chuyển giao nhanh chóng sang bộ phận kinh doanh giải quyết. Hai ngày sau, nhân viên bên kinh doanh đã gửi lại báo giá tỷ lệ phí bảo hiểm cùng hợp đồng bảo hiểm chi tiết của công ty Bảo hiểm PVI đính kèm file thông tin về điều kiện bảo hiểm trong hợp đồng.

Theo hợp đồng bảo hiểm của PVI gửi lại, mức tỷ lệ phí bảo hiểm mà công ty đưa ra là 0,08% (đã có VAT) với điều kiện bảo hiểm loại C. Đây là mức phí được coi là hợp lý so với mặt bằng chung trên thị trường. Từ khâu tiếp nhận đơn hàng và hồi đáp lại khách hàng, có thể thấy công ty Bảo hiểm PVI làm việc khá nhanh chóng và chuyên nghiệp, tuy nhiên về các điều khoản trong hợp đồng còn một số vấn đề chưa thoả đáng. Theo Incoterms 2010, đồng tiền trong hợp đồng bảo hiểm cần phải trùng với đồng tiền giao dịch của hợp đồng mua bán hàng hoá nhưng ở đây công ty PVI lại quy định đồng tiền thanh toán là Đồng Việt Nam (VNĐ). Và mặc dù trong đơn hỏi giá đã nêu rõ hàng được vận chuyển theo hàng rời (sử dụng tàu chuyên chở hàng rời) nhưng bên công ty lại ghi trong hợp đồng là hàng đóng nguyên container. Có thể thấy đây là điểm trừ về kiến thức liên quan đến các điều kiện giao dịch hàng hoá quốc tế của công ty PVI nói riêng và hầu hết các công ty bảo hiểm của Việt Nam nói chung, cần được khắc phục để ngành bảo hiểm trong nước phát triển hơn nữa.

  • Nhận xét:

Các công ty bảo hiểm của Việt Nam dù được người tiêu dùng tin tưởng nhưng đối với lĩnh vực phi nhân thọ và đặc biệt là liên quan đến giao dịch, mua bán hàng hoá quốc tế vẫn còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối sản phẩm. Các công ty bảo hiểm cần phải cải thiện và nâng cao trình độ hơn nữa mới có thể được doanh nghiệp tin tưởng và lựa chọn làm đối tác giao dịch lâu dài, cũng như đóng góp vào chuỗi giá trị gia tăng và thu ngoại tệ cho nền kinh tế quốc gia.

nh đẹp 2

V.    PHÂN TÍCH VỀ QUY TRÌNH THANH TOÁN

1.  Đồng tiền thanh toán – USD

2.  Các chứng từ cần thiết để tiến hành thanh toán

Trong mọi phương thức thanh toán đều phải sử dụng đến những chứng từ nhất định, chúng ta gọi chung là những chứng từ hoạt động ngoại thương. Đó là các loại giấy tờ được phát hành liên quan đến các nghiệp vụ hàng hóa. Các ngân hàng sẽ xử lý các chứng từ này khi thanh toán tùy thuộc vào từng phương thức thanh toán khác nhau. Dưới đây chúng ta sẽ lần lượt mô tả những chứng từ quan trọng thường gặp nhất trong hoạt động thương mại.

  • Hóa đơn thương mại (commercial invoice): Hóa đơn thương mại gồm tất cả các chi tiết về nghiệp vụ hàng hóa, nó có giá trị thanh toán và bao gồm các yếu tố: Tên và địa chỉ người mua: ABC ENERGY J.S.C, có trụ sở đăng ký tại Hiệp Sơn – Kinh Môn – Hải Dương. Tên, địa chỉ và chữ ký có thẩm quyền của người bán. Nhãn hiệu chính xác của hàng hóa cùng số lượng: THAN CỐC LUYỆN KIM TRO THẤP. Số lượng: 8.000MT. Điều kiện giao hàng và thanh toán, cách đóng gói, số lượng trong mỗi đơn vị đóng gói và mã hiệu của chúng, những ghi chú khác (phê chuẩn lãnh sự, ghi chú của phòng thương mại), tất cả đều đã được ghi đầy đủ trong khoản 6 trong hợp đồng.
  • 3/3 vận đơn đường biển, có ba chức năng cơ bản:
  • Là biên lai của người vận tải về việc đã nhận hàng để chở;
  • Là bằng chứng của hợp đồng chuyên chở đường biển;
  • Là chứng chỉ về quyền sở hữu hàng hoá

“Được cấp phát bởi thuyền trưởng hoặc đại lý được ủy quyền ngày không muộn hơn ngày giao hàng muộn nhất, làm theo lệnh, thể hiện hàng hóa trong hợp đồng có đánh dấu: “Cước phí đã được trả trước” hoặc đánh dấu “Cước phí đã được trả bởi bên thuê tàu” and “Vận đơn sạch”. Vận đơn thuê tàu biển được chấp thuận. Vận đơn cho thấy khối lượng ở đơn vị Tấn.” – trích khoản 6 trong hợp đồng.

  • Giấy chứng nhận phân tích (analyse certificate): chứng nhận này đi kèm trong việc cung cấp hàng hóa và nguyên liệu thô hoặc các sản phẩm hóa chất hay sản phẩm nông nghiệp, nó thể hiện kết quả phân tích các thành phần của hàng hóa: “Được giám định độc lập ở cảng bốc theo tiêu chẩn ISO mới nhất, ngoại trừ chỉ tiêu CSR và CRI sẽ được phân tích theo tiêu chuẩn ASTM.” – khoản 6 hợp đồng.
  • Giấy chứng nhận khối lượng: chứng từ này do một cơ quan trung gian phát hành để xác nhận trọng lượng của hàng hóa mà người xuất khẩu gửi đi: “Được giám định độc lập ở cảng bốc”.
  • Giấy chứng nhận xuất xứ form E (certificate of origin – C/O form E): thể hiện tên người bán hoặc tên người cung cấp là người vận chuyển và HPE là bên nhận thông báo hoặc bên nhận hàng … Chứng từ này đặc biệt quan trọng đối với các cơ quan chức năng của nước nhập khẩu để thuận lợi cho việc kiểm tra việc tuân thủ những quy định và giúp người mua được hưởng ưu đãi về thuế quan khi nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc.

3.  Phương thức thanh toán:  Letter of Credit – L/C (Thư tín dụng)

a)  Ưu, nhược điểm

  • Lợi ích đối với người xuất khẩu:
  • NH sẽ thực hiện thanh toán đúng như quy định trong thư tín dụng bất kể việc người mua có muốn trả tiền hay không.
  • Chậm trễ trong việc chuyển chứng từ được hạn chế tối đa.
  • Khi chứng từ được chuyển đến NH phát hành, việc thanh toán được tiến hành ngay hoặc vào một ngày xác định (nếu là L/C trả chậm).
  • KH có thể đề nghị chiết khấu L/C để có trước tiền sử dụng cho việc chuẩn bị thực hiện hợp đồng
  • Lợi ích đối với người nhập khẩu:
  • Chỉ khi hàng hóa thực sự được giao lên phương tiện vận tải thì người nhập khẩu mới phải trả tiền – Người nhập khẩu có thể yên tâm là người xuất khẩu sẽ phải làm tất cả những gì theo qui định trong L/C để đảm bảo việc người xuất khẩu sẽ được thanh toán tiền (nếu không người xuất khẩu sẽ không nhận được tiền hàng).
  • Lợi ích đối với Ngân hàng:
  • Được thu phí dịch vụ (phí mở L/C, phí chuyển tiền, phí thanh toán hộ…)
  • Mở rộng quan hệ thương mại quốc tế.
  • Nhược điểm lớn nhất của hình thức thanh toán này là quy trình thanh toán rất tỷ mỷ, máy móc, các bên tiến hành đều rất thận trọng trong khâu lập và kiểm tra chứng từ. Chỉ cần có một sai sót nhỏ trong việc lập và kiểm tra chứng từ cũng là nguyên nhân để từ chối thanh toán. Đối với Ngân hàng phát hành, sai sót trong việc kiểm tra chứng từ cũng dẫn đến hậu quả rất lớn.

b)  Phân tích thư tín dụng của hợp đồng giao dịch

  • Mẫu L/C:
  • Nội dung chính của L/C:
  • Ngân hàng phát hành (Ngân hàng của người mua): Vietinbank – Ngân hàng thương mai cổ phần Công thương Việt Nam
  • VietinBank – Thương hiệu tăng trưởng mạnh nhất Top 10 Việt Nam.
  • Tầm nhìn: Trở thành Ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất, hiệu quả hoạt động hàng đầu Ngành Ngân hàng Việt Nam. Hướng tới trở thành một tập đoàn tài chính ngân hàng hiện đại, đa năng, theo chuẩn quốc tế.
  • Giá trị cốt lõi: Hướng đến khách hàng: “Khách hàng là trung tâm trong mọi hoạt động của VietinBank. VietinBank cam kết mang đến những sản phẩm, dịch vụ và phong cách phục vụ đồng nhất; một VietinBank duy nhất đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu phù hợp của khách hàng”. Phát triển bền vững và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
  • Triết lí kinh doanh: An toàn, hiệu quả và bền vững; Trung thành, tận tụy, đoàn kết, đổi mới, trí tuệ, kỷ cương; Sự thành công của khách hàng là sự thành công của VietinBank.
  • Vietinbank được xếp hạng thứ hai trong danh sách Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2017 do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 26/06/2017.
  • Website: http://www.vietinbank.vn/web/home/vn/index.html
  • Ngân hàng thông báo (Ngân hàng của người bán): AUSTRALIA AND NEW ZEALAND BANKING chi nhánh SINGAPORE
  • Mở văn phòng đại diện ở Singapore năm 1974 và được nâng cấp lên thành chi nhánh năm 1980, sau đó được Cơ quan tiền tệ Singapore trao giấy phép Qualifying Full Bank vào năm 2010.
  • Tầm nhìn của ANZ là trở thành ngân hàng được kết nối và được đánh giá cao nhất trong khu vực. ANZ Singapore đóng vai trò quan trọng trong việc đưa chiến lược siêu khu vực của ngân hàng đến với cuộc sống – hỗ trợ nhu cầu nội địa của khách hàng trong khi kết nối với 34 thị trường khắp Châu Á Thái Bình Dương, Châu Âu, Mỹ và Trung Đông . Singapore cũng là nơi có thị trường toàn cầu lớn nhất của ANZ bên ngoài nước Úc.
  • Trong suốt hơn 40 năm hoạt động, ANZ Singapore đã nhận được nhiều danh hiệu và giải thưởng như: Nhà lãnh đạo chất lượng Greenwich trong Tài chính Thương mại của Doanh nghiệp lớn khu vực Châu Á tại Singapore (2015), Chứng chỉ Đổi mới lớp học Singapore (I-Class) vào năm 2015 – SPRING Singapore Sáng kiến ​​Thẻ Tín dụng trong năm – Giải thưởng Ngân hàng và Tài chính Châu Á năm 2015, Giải thưởng Nhà chào Bán tốt nhất – Giải thưởng Ngân hàng Bán lẻ Quốc tế Châu Á năm 2010; Xếp thứ ba trong danh sách Ngân hàng doanh nghiệp hàng đầu tại Singapore (2014), …
  • Số hiệu, ngày mở L/C:
  • Số hiệu: Khoản 20 (Số hiệu của thư tín dụng) – 126101500122. Tất cả các L/C đều phải có số hiệu riêng do Ngân hàng mở L/C quy định, dùng để trao đổi thư từ, điện tín có liên quan đến việc thực hiện L/C và tham chiếu trên các chứng từ có liên quan trong BCT theo L/C.
  • Ngày mở L/C: Khoản 31C (Ngày mở thư tín dụng) – 150611: là ngày bắt đầu phát sinh cam kết của ngân hàng mở L/C với nhà xuất khẩu, là ngày ngân hàng mở L/C chính thức chấp nhận đơn xin mở L/C và là căn cứ để nhà xuất khẩu kiểm tra xem nhà nhập khẩu thực hiện việc mở L/C có đúng hạn quy định trong hợp đồng hay không. Theo hợp đồng quy định ở khoản 6 – Thanh toán, L/C được mở bởi người mua không muộn hơn 15 ngày làm việc trước ngày giao hàng muộn nhất (03/07/2015) ( 17:00 singapore time) cho người bán thông qua một ngân hàng quốc tế được chấp thuận bởi người bán. Như vậy, nhà nhập khẩu mở L/C vào ngày 11/06/2015 là đúng thời hạn quy định trong hợp đồng.
  • Loại L/C: Khoản 40A: Hình thức của thư tín dụng – không huỷ ngang
  • Tên và địa chỉ các bên liên quan:
  • Khoản 50: người yêu cầu – Công ty cổ phần Năng lượng ABC – Hiệp Sơn, Kinh Môn, Hải Dương, Việt Nam.
  • Khoản 59: người thụ hưởng – XYZ RESOURCES SINGAPORE  COMPANY  PTE  LTD Temasek  Boulevard, # 27-01 A Suntec Tower One, Singapore – 038987
  • Số tiền, loại tiền: Số tiền của L/C được thể hiện tại khoản 32B – USD 1,600,000 (Loại tiền tệ, số tiền). Ngoài ra số tiền này còn được ghi cụ thể tại khoản 45A (mô tả hàng hóa). Tên đơn vị tiền tệ phải ghi rõ theo quy định của ISO (USD – đôla Mỹ, VND – đồng Việt Nam, CNY – đồng nhân dân tệ…). Dung sai được ghi ở khoản 39A – 10/10 và được sửa lại trong sửa đổi lần hai là 20/20.
  • Thời hạn hiệu lực, thời hạn trả tiền, và thời hạn giao hàng:
  • Ngày và nơi hết hạn hiệu lực của L/C là thời hạn mà ngân hàng mở L/C cam kết trả tiền cho nhà xuất khẩu, nếu nhà xuất khẩu xuất trình BCT phù hợp với những điều khoản và điều kiện của L/C trong thời hạn đó. Ðịa điểm hết hiệu lực thường quy định tại nước người bán và được thể hiện tại khoản 31D -150724 tại Singapore. (Trong lần sửa đổi thứ hai, đã được sửa lại thành 29/07/2015)
  • Thời hạn giao hàng thể hiện thời gian mà người xuất khẩu phải hoàn thành nghĩa vụ giao hàng lên phương tiện vận tải. Thời hạn giao hàng nếu là một ngày cụ thể thường được thể hiện ở khoản 44C (Ngày giao hàng cuối cùng). Còn như trong chứng từ mẫu trên là giao hàng nhiều lần nên thông tin này thường được thể hiện ở khoản 44D – Việc giao hàng không được thực hiện sớm hơn 11/06/2015 nhưng không muộn hơn 03/07/2015 (Đã được điều chỉnh lại thành 09/07/2015 trong lần sửa đổi thứ hai)
  • Nguyên tắc:
  • Ngày giao hàng phải nằm trong thời hạn hiệu lực của L/C và không được trùng với ngày hết hạn hiệu lực của L/C.
  • Ngày giao hàng phải sau ngày mở L/C một thời gian hợp lý. Thời gian hợp lý được tính tối thiểu bằng tổng của số ngày cần có để thông báo mở L/C, số ngày lưu L/C ở ngân hàng thông báo, số ngày chuẩn bị hàng để giao cho người nhập. Số ngày chuẩn bị hàng để giao phải nhiều nếu hàng xuất khẩu là mặt hàng phức tạp, phải điều động từ xa ra cảng và phải tái chế lại trước khi giao hoặc nếu thời điểm giao hàng là mùa ẩm ướt. Ngược lại, nếu hàng xuất là các sản phẩm công nghiệp thì không đòi hỏi số ngày chuẩn bị quá lớn.
  • Ngày hết hạn hiệu lực của L/C phải sau ngày giao hàng một thời gian hợp lý. Thời gian này thường được tính bằng số ngày chuyển chứng từ từ nơi giao hàng đến cơ quan của nhà xuất khẩu, số ngày lập BCT thanh toán, số ngày lưu giữ chứng từ tại ngân hàng thương lượng BCT (hoặc NH xuất trình/NH thông báo) và số ngày chuyển chứng từ đến ngân hàng mở L/C. Thời gian này nếu không có quy định gì được hiểu là 21 ngày làm việc (theo UCP 600).
  • Thời gian trả tiền của L/C: quy định việc trả tiền ngay hay trả tiền sau khi xuất trình hối phiếu đòi tiền. Thời hạn trả tiền được thể hiện tại khoản 42C – Trả ngay cho 100% trị giá hoá đơn.
  • Điều khoản giao hàng:
  • Điều kiện cơ sở giao hàng (FOB, CIF, CIP,…) thường được thể hiện tại khoản 45A – Sản phẩm: coke luyện kim tro thấp giao theo điều kiện thương mại là CFR Hải Phòng hoặc Cẩm Phả ,Việt Nam – Incoterms 2010 (Mô tả hàng hóa/dịch vụ).
  • Nơi gửi hàng và nơi giao hàng được thể hiện tại khoản 44E – Cảng Xingang, Trung Quốc (dùng trong vận tải đường biển và hàng không).
  • Thông tin về nơi nhận hàng được thể hiện tại khoản 44F – Cảng Hải phòng hoặc cảng Cẩm Phả, Việt Nam (dùng trong vận tải đường biển và hàng không).
  • Kiểm tra L/C cho phép chuyển tải hay không. Nội dung về chuyển tải thường được thể hiện ở khoản 43T – Không cho phép
  • Kiểm tra xem có được phép giao hàng từng phần hay không. Thông tin này thường được thể hiện trên khoản 43P – Không cho phép
  • Nội dung về hàng hóa: tên, số lượng, trọng lượng, bao bì…: “Người bán sẽ vận chuyển và bán và người mua sẽ mua tổng khối lượng là 10.000 tấn +/-20% theo điều kiện CFR. Người bán phải vận chuyển lô hàng trong tháng 6 (ngày giao hàng muộn nhất 03/07/2015)” – Trích khoản 3, trong hợp đồng. Nhưng do người bán hiện tại không đủ khả năng cung cấp đủ khối lượng hàng với độ tro như đã thoả thuận hợp đồng nên hai bên đã điều chỉnh lại khối lượng hàng thực giao trong lần sửa đổi LC thứ hai với khối lượng là 10.000MT +/-20% là 8.000MT.
  • Những chứng từ người thụ hưởng phải xuất trình: hối phiếu, hóa đơn thương mại, vận đơn, chứng từ bảo hiểm, chứng nhận xuất xứ…: Điều khoản về BCT theo L/C chủ yếu được quy định tại khoản 46A – Documents Required, ngoài ra cũng được quy định thêm tại khoản 47A – Additional Conditions. Trong đó: BCT thanh toán trong L/C là bằng chứng của nhà xuất khẩu chứng minh rằng mình đã tuân thủ đầy đủ các điều khoản, điều kiện của L/C và/hoặc hoàn thành nghĩa vụ giao hàng. BCT thường bao gồm: hợp đồng hoặc giấy có giá trị tương đương hợp đồng, hóa đơn thương mại, vận tải đơn, phiếu đóng gói, bảo hiểm đơn, giấy chứng nhận số lượng/trọng lượng, giấy chứng nhận kiểm dịch… Cần kiểm tra kỹ quy định về BCT trên các khía cạnh:
  • Số loại chứng từ phải xuất trình.
  • Số lượng chứng từ phải làm đối với từng loại (thông thường lập 3 bản).
  • Nội dung cơ bản được yêu cầu đối với từng loại xem nhà xuất khẩu có khả năng đáp ứng được các yêu cầu đó không.
  • Thời hạn muộn nhất phải xuất trình các chứng từ (Chứng từ phải xuất trình trong vòng 21 ngày sau ngày giao hàng nhưng trong thời hạn của L/C)

 

  • Cam kết của ngân hàng mở thư tín dụng: Được thể hiện ở khoản 78 – Trị giá và ngày của mỗi hối phiếu phải được ký hậu vào mặt sau của chỉ dẫn. Tất cả những chứng từ phải được chuyển phát nhanh thành một lot đến phòng giải quyết chứng từ nhập khẩu, trung tâm điều hành chính ngân hàng Vietinbank, tầng 8, 34 phố Cửa Nam, quận Hoàn kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Về việc nhận chứng từ hối phiếu liên quan chặt chẽ đến những điều kiện và điều khoản của L/C này, một điện xác nhận sẽ được gửi từ ngân hàng chiết khấu đến chúng tôi xác nhận rằng tất cả chứng từ đã được gửi đến chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiến hành thủ tục liên quan đến chỉ dẫn của ngân hàng chiết khấu. Và là điều khoản ràng buộc trách nhiệm của ngân hàng mở L/C. Khoản này cũng thể hiện cách thức trả tiền. Trong hợp đồng quy định cách nào thì L/C phải quy định bằng cách đó.
  • Những nội dung khác: quy định tại khoản 47B
  • Điều 16 Về chất lượng hàng hoá: như đã thoả thuận giữa hai bên theo tiêu chuẩn ISO trừ chỉ tiêu CSR/CRI theo tiêu chuẩn ASTM trong hợp đồng đã ký kết đồng thời kèm theo mức phạt được áp dụng nếu chất lượng hàng thực tế theo kết quả giám định ở cảng dỡ có sai khác với tiêu chuẩn đã thoả thuận trong hợp đồng.
  • Điều 19: Quy định về người vận chuyển khác người thụ hưởng được chấp nhận
  • Nhận xét:

Những yêu cầu trong L/C được quy định chặt chẽ, cụ thể và rõ ràng, trùng khớp với những điều khoản đã thoả thuận, ký kết trong hợp đồng giao dịch giữa Công ty CP Năng lượng ABC và Công ty TNHH XYZ Resources Singapore và hai lần sửa đổi theo hợp đồng. Vì vậy, người bán là công ty TNHH XYZ Resources Singapore có  thể giao hàng theo quy định và xuất trình bộ chứng từ đầy đủ trong thời hạn thanh toán tại ngân hàng của mình để nhận tiền hàng từ người mua – công ty CP Năng lượng ABC.

VI.  CÁC ĐIỀU KHOẢN VỀ PHÁP LÝ

1.  Điều khoản về trọng tài

Theo khoản 17 trong hợp đồng Mua Bán số SG15EX-CC-040HPE của Công ty Cổ phần Năng Lượng ABC và XYZ RESOURCES SINGAPORE COMPANY PTE LTD quy định:

“Mọi tranh chấp phát sinh giữa các bên liên quan đến hợp đồng này bao gồm bất kỳ câu hỏi liên quan đến sự tồn tại, hiệu lực hoặc chấm dứt của nó, được nhắc đến và cuối cùng giải quyết bằng Trọng tài tại Singapore theo các quy tắc trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (“Quy tắc SIAC” ), trong đó quy định này được coi là được kết hợp bằng cách tham chiếu trong khoản này.

  • Toà án sẽ bao gồm một (duy nhất) trọng tài được bổ nhiệm bởi Chủ tịch SIAC.
  • Các địa điểm trọng tài sẽ là Singapore
  • Ngôn ngữ của trọng tài sẽ là tiếng Anh. Nếu có tài liệu nào, trong bất kỳ ngôn ngữ nước ngoài, văn bản này phải được dịch ra tiếng Anh, với một bằng chứng thích hợp của tính xác thực.

Tòa án trọng tài sẽ tuyên phán quyết của mình một cách chi tiết và sự kiện của vụ án, và lý do cho quyết định của mình. Quyết định của trọng tài này sẽ là cuối cùng và ràng buộc các bên liên quan, và có thể được nhập vào bất kỳ thẩm quyền tòa án có.”

Như vậy, Người Mua và Người Bán thoả thuận trong hợp đồng giải quyết tranh chấp giữa hai bên bằng cách khiếu nại lên trọng tài quốc tế là Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC). Đây là một tổ chức trọng tài phi lợi nhuận được thành lập năm 1991 tại Singapore, với mục đích giải quyết các tranh chấp trong giao dịch thương mại quốc tế giữa các thương nhân trên toàn cầu nói chung và trong khu vực châu Á nói riêng. Được đánh giá là một trong những trung tâm trọng tài hàng đầu trên toàn thế giới, các phán quyết Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore đưa ra được dựa trên quy chế hoạt động của chính tổ chức này và bộ luật trọng tài UNCITRAL – ban hành bởi Liên Hợp Quốc năm 1966.

Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore còn có các dịch vụ hỗ trợ các bên tranh chấp về mặt lệ phí trọng tài, sắp xếp thời gian gặp mặt giữa các bên,… Không chỉ vậy, Singapore là một nước liên tục được xếp hạng thứ 7 trong bảng xếp hạng các nước trung gian thứ 3 ít xảy ra tranh chấp trên thế giới theo chỉ số Corruption Perception Index 2016 và xếp thứ nhất trong toàn khu vực châu  Á, đồng thời là một thành viên của Công ước New York. Vì vậy, việc lựa chọn Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore để giải khiếu nại trong hợp đồng có những ưu điểm sau:

  • Chi phí khiếu nại thấp hơn hầu hết các trung tâm trọng tài khác
  • Toà án hỗ trợ tối đa về mặt pháp lý và can thiệp tối thiểu đến các bên trong quá trình xét xử
  • Không giới hạn việc áp dụng luật nước ngoài.
  • Người xét xử là trọng tài có kinh nghiệm lâu năm và chuyên nghiệp được đánh giá cao trong nhiều cuộc khảo sát quốc tế.
  • Hiệu lực của phán quyết mà Trung tâm trọng tài đưa ra có tính chung thẩm như phán quyết của toà án và chỉ đưa ra một lần trong quá trình giải quyết tranh chấp, không xử lại
  • Tiết kiệm thời gian so với việc hai bên khiếu nại lên toà án.
  • Đảm bảo tính bí mật, liên tục cà linh hoạt trong quá trình xét xử.
  • Cho phép các bên sử dụng kinh nghiệm của các chuyên gia thương mại giúp phán quyết đưa ra một cách nhanh chóng và chuẩn xác.

2.  Điều khoản về khiếu nại

a)  Đối tượng khiếu nại

XYZ Resources Singapore Company PTE LTD (Người bán)

b)  Thời hạn khiếu nại

Thời hạn khiếu nại do không được ghi cụ thể trong hợp đồng giao dịch giữa hai bên nên sẽ được chiếu tới luật có liên quan điều chỉnh hợp đồng là Luật Thương mại Việt Nam 2005.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 318 Luật Thương Mại 2005 quy định về Thời hiệu khiếu nại:

“Trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 237 của Luật này, thời hạn khiếu nại do các bên thỏa thuận, nếu các bên không có thỏa thuận thì thời hạn khiếu nại được quy định như sau:

Sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hóa; trong trường hợp hàng hóa có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành;”

Như vậy, với ngày giao hàng ghi trên vận đơn là 03/07/2015 thì việc Người Mua gửi đơn khiếu nại lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore vào ngày 21/07/2015 vẫn trong thời gian khiếu nại và sẽ được Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore thụ lý đơn và giải quyết tranh chấp giữa hai bên.

c)  Lý do khiếu nại

Sau khi lây hàng ở cảng dỡ và thực giám định chất lượng tại cảng, công ty cổ phần năng lượng ABC đã đưa hàng về tiến hàng kiểm tra lại và phân tích coke thành phấm, Người Mua nhận thấy chất lượng coke của lô hàng này khác biệt rất lớn với chất lượng coke được thể hiện trong hợp đồng số SG15EX-CC-040HPE. Một số chỉ tiêu quan trọng như Độ tro là 13.78%, Lưu huỳnh 0.83% đã vượt qua mức cam kết (Độ tro tối đa là 12.5%, Lưu huỳnh tối đa là 0.7%), thậm chí còn vượt mức từ chối (Độ tro > 13.5%, Lưu huỳnh > 0.8%). Với lô hàng chất lượng xấu như này, sản phẩm coke không thể được sử dụng trong lò cao của Người Mua như mong đợi và do đó đã gây thiệt hại lớn cho phía người sử dụng.

d)  Quyền và nghĩa vụ của bên bị khiếu nại – Người Bán

  • Xem xét đơn khiếu nại trong thời gian quy định và khẩn trương phúc đáp lại Người Mua (Nếu hồ sơ khiếu nại chưa đầy đủ thì Người Bán cần thông báo cho Người Mua bổ sung)
  • Xác nhận lại vấn đế khiếu nại
  • Phối hợp với Người Mua để giải quyết.

e)  Quyền và nghĩa vụ của bên khiếu nại – Người Mua

  • Giữ nguyên hiện trạng hàng và bảo quản hàng hoá
  • Thu thập chứng từ cần thiết để làm căn cứ khiếu nại (Biên bản giám định được cấp bởi SGS-CSTC theo điều khoản 10 trong hợp đồng đã kí kết giữa 2 bên và kết quả phân tích coke thành phầm từ lô hàng đã giao dịch do Người Mua thực hiện)
  • Gửi báo cáo cho các bên liên quan (Người bán và Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore)
  • Hợp tác với Người bán để giải quyết khiếu nại

f)   Hồ sơ khiếu nại

  • Thư khiếu nại gửi Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore.
  • Biên bản giám định phân tích mẫu sản phẩm tại cảng dỡ do SGS-CSTC cấp.
  • Minh chứng kèm theo để xác định lỗi của bên Người Bán là trực tiếp gây ra thiệt hại cho Người Mua
Dịch vụ hàng xách tay giá rẻ
Dịch vụ hàng xách tay giá rẻ
  • Yêu cầu của Người Mua về việc giải quyết khiếu nại:
  • Vi phạm hợp đồng: 350.000 USD
  • Khắc phục hậu quả: 30.000USD
  • Các chi phí phát sinh khác: 20.000 USD
  • Hồ sơ pháp lý ban đầu cần lập khi lấy hàng ở cảng dỡ:
  • Hợp đồng mua bán
  • Vận đơn đường biển
  • Giấy chứng nhận số lượng, chất lượng
  • Biên bản giám định hầm tàu (CR): kiểm tra quy cách chất xếp, vệ sinh hầm tàu có đảm bảo chất lượng hay không
  • Biên bản kết toán nhận hạng với tàu (ROROC): kiểm tra số lượng hàng nhận từ tàu vận chuyển với số lượng hàng ghi trên vận đơn xem đủ hay thiếu? Nếu thiếu cần lập biên bản hàng thiếu (CSC).
  • Nếu hàng bị vỡ, móp méo thì cần lập biên bản hàng đổ vỡ, hư hỏng (COR)
  • Nếu có thiệt hại chưa rõ ràng thì cần lập thư dự kháng (LOR)
  • Nhận xét:

Như vậy với những quy định chặt chẽ về điều khoản khiếu nại và trọng tài trong hợp đồng giao dịch đã ký kết giữa Công ty ABC Energy JSC và Công ty XYZ RESOURCES, việc Người Bán cung cấp hàng hoá có chất lượng không đúng như trong tiêu chuẩn đã có bằng chứng xác thực và Người Mua có quyền khiếu nại Người Bán lên Trung tâm Trọng tài quốc tế nếu như hai bên không thương lượng tự giải quyết tranh chấp được. Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa hai bên và cả Người Bán và Người Mua đều phải tuân thủ phán quyết của trọng tài sau khi khiếu nại kết thúc.

3.  Điều khoản về bất khả kháng

Theo quy định tại Khoản 13 trong hợp đồng đã thoả thuận giữa Người Bán và Người Mua về bất khả kháng:

“KHOẢN 13: BẤT KHẢ KHÁNG

Các bên sẽ được miễn trừ các nghĩa vụ và trách nhiệm theo hợp đồng này, nếu việc thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng bị cản trở hoặc trì hoãn bởi sự cố bất khả kháng và bất kỳ sự kiện nào đó như đình công, nổi loạn, bao động dân sự, hỏa hoạn, chiến tranh và các hành vi của chính phủ…Các bên phải ngay lập tức thông báo cho các bên còn lại bằng văn bản đối với sự kiện bất khả kháng mà ảnh hưởng tới nghĩa vụ của mình theo hợp đồng kèm theo các giấy tờ chứng minh như là Chứng nhận của phòng thương mai hoặc cơ quan có thẩm quyền. Đối với các thông báo đó, việc thực hiện nghĩa vụ của bên thông báo cũng như nghĩa vụ phản hồi của bên còn lại sẽ kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng nếu cần thiết và vẫn tiếp tục khi có bất khả kháng.

Trong trường hợp có sự chậm trễ, gián đoạn hoặc không xảy ra hoặc có thể xảy ra, bên bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ phải kịp thời thông báo cho bên kia bằng cáp, telex hoặc fax, và sẽ trong thời hạn mười (10) ngày sau đó thông báo cho bên kia bằng văn bản các đặc điểm của các sự kiện có liên quan và có thể hỗ trợ bằng chứng.

Các bên có bị ảnh hưởng phải có những nỗ lực tốt nhất của mình để loại bỏ nguyên nhân của sự chậm trễ trong việc tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo Hiệp định này. Sau khi loại bỏ hoặc giải quyết các nguyên nhân gây ra sự chậm trễ, gián đoạn hay thất bại, các bên có bị ảnh hưởng phải thông báo cho bên kia bằng cáp hoặc telex, và bằng văn bản trong thời hạn mười (10) ngày sau đó, trong việc loại bỏ đó độ phân giải và trọng tải bị ảnh hưởng.”

  • Nhận xét:

Như vậy trong trường hợp xảy ra bất khả kháng (BKK), hợp đồng đã quy định rõ ràng và cụ thể nghĩa vụ của bên bị ảnh hưởng và bên còn lại, bao gồm những sự kiện được coi là BKK, những giấy tờ chứng nhận cần thiết, thời hạn thông báo của bên xảy ra BKK với bên còn lại. Điều khoản này giúp hợp đồng càng thêm chặt chẽ, tránh xảy ra tranh chấp giữa người mua và người bán nếu có sự cố phát sinh.

KẾT LUẬN

Trong tiểu luận “Phân tích hợp đồng nhập khẩu than cốc luyện kim tro tháp của công ty CP Năng lượng ABC”, nhóm đã tìm hiểu, nghiên cứu các bước trong quy trình xuất nhập khẩu nói chung và nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài vào Việt Nam nói riêng và cụ thể ở đây là mặt hàng than cốc luyện kim tro thấp do công ty cổ phần Năng lượng ABC nhập từ công ty TNHH XYZ Resources Singapore. Đồng thời trong quá trình nghiên cứu thực hiện bài phân tích, nhóm đã tự tích luỹ thêm nhiều kiến thức về kỹ năng đàm phán thực hiện hợp đồng cũng như các điều kiện trong bộ tập quán thương mại quốc tế Incoterms 2010 và các hình thức vận chuyển, thanh toán, mua bảo hiểm cho hàng hoá. Việc phân tích hợp đồng cùng các loại chứng từ liên quan giúp nhóm nghiên cứu có thể bổ sung thêm kiến thức thực tế và hiểu hơn bộ môn Giao dịch thương mại quốc tế ngoài những kiến thức cơ bản được cô giảng giải và có sẵn trong sách báo.

Trong bộ hợp đồng này, người mua là công ty cổ phần Năng lượng ABC lựa chọn nhập khẩu hàng hoá theo điều kiện CFR – Incoterms 2010, chứ không theo thường lệ của doanh nghiệp Việt Nam từ trước đến nay là “mua CIF, bán FOB”. Với điều kiện CIF người bán sẽ trả toàn bộ tiền cước phí vận chuyển và mua bảo hiểm cho hàng hoá cũng như trong điều kiện FOB, người mua sẽ đứng ra trả cước phí vận tải và mua bảo hiểm. Có thể nói trước đây do Việt Nam vẫn còn chưa phát triển về thương mại quốc tế và đặc biệt là logistics nên không có khả năng tổ chức thuê phương tiện và mua bảo hiểm cho hàng hoá, bắt buộc phải giao cho đối tác thực hiện. Tuy nhiên ở đây, người nhập khẩu là công ty cổ phần Năng lượng ABC nhập khẩu hàng hoá theo điều kiện CFR, tức là người mua chịu rủi ro chặng vận chuyển chính nên người mua cần mua bảo hiểm cho hàng hoá. Như vậy có thể nhận xét là Việt Nam đang ngày càng hội nhập sau vào kinh tế thế giới, ngày càng hoàn thiện các khâu trong chuỗi cung ứng hàng hoá (Supply Chain) để đưa hàng đến thẳng người tiêu dùng, tạo ra mức giá trị gia tăng cho chính doanh nghiệp trong nước và nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam đã dần chủ động trong quá trình mua bán hàng hoá quốc tế, không còn quá phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, tạo ra cơ hội phát triển cho chính bản thân doanh nghiệp nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.

Trong thời đại cả thế giới sắp bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế ngày càng hội nhập, việc đẩy mạnh giao thương với các quốc gia trên thế giới đòi hỏi chúng ta phải tìm hiểu kĩ càng về đối tác, cân nhắc kĩ lưỡng từng cơ hội và đưa ra các điều kiện thích hợp nếu muốn xác lập quan hệ lâu dài và bền chặt. Mỗi công ty cần tìm cho mình bộ máy tư vấn nếu cần thấy cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho mình và thúc đẩy công việc được giải quyết nhanh gọn, chính xác.

Các nội dung có liên quan: 

chuyển hàng LCL, chuyển hàng LCL đường biển, chuyển hàng LCL giá rẻ, chuyển hàng LCL nhanh chóng, gom hàng lẻ , dịch vụ gom hàng lẻ, vận tải quốc tế bằng đường biển, gom hàng lẻ đường biển, dịch vụ gom hàng lẻ bằng đường biển, vận chuyển hàng lẻ đi quốc tế bằng đường biển, vận chuyển hàng lẻ đi các nước, vận tải hàng lẻ, vận chuyển hàng lẻ, vận chuyển hàng lẻ nhập, vận chuyển hàng lẻ xuất, vận chuyển hàng lẻ nội địa, dịch vụ vận chuyển đường biển( door to door), dịch vụ gom hàng lẻ quốc tế, dịch vụ vận chuyển hàng lẻ quốc tế, hàng xuất LCL, hàng nhập LCL, hàng consol, gửi hàng lẻ đường biển, gom hàng lẻ uy tín, gom hàng lẻ rẻ, gom hàng rời, nhập hàng LCL, xuất hàng LCL, xuất hàng lẻ, nhập hàng lẻ, hàng lẻ nội địa, gom hàng lẻ nội địa, gom hàng lẻ bắc nam, gửi hàng lẻ, vận chuyển hàng lẻ LCL, gom hàng lẻ đường biển miễn phí, dịch vụ gom hàng lẻ của indochina247, dịch vụ LCL, quy trình xuất hàng LCL, quy trình nhập hàng LCL, quy trình làm hàng xuất, vận chuyển hàng lẻ lcl đi quốc tế, vận chuyển hàng nhỏ lẻ LCL, vận chuyển hàng lẻ LCL đi quốc tế, ship hàng lẻ đường biển, gửi hàng lẻ đường biển, gom hàng consol, gom lô hàng lẻ, vận chuyển hàng lẻ container, dịch vụ vận chuyển hàng lẻ đi thẳng, vận chuyển hàng lẻ đi thẳng, giá vận chuyển hàng lẻ, lưu ý khi vận chuyển hàng lẻ, hàng ghép, vận chuyển hàng ghép, dịch vụ giao nhận hàng lẻ, dịch vụ giao nhận hàng ghép, vận chuyển ghép hàng, dịch vụ vận chuyển hàng lẻ, dịch vụ vận chuyển hàng ghép, vận chuyển hàng lẻ bắc nam, vận chuyển hàng số lượng ít, vận chuyển hàng nhỏ lẻ, dịch vụ gom hàng nhỏ lẻ, dịch vụ thu gom hàng lẻ, dịch vụ vận chuyển hàng nhỏ lẻ, vận chuyển hàng ghép giá rẻ, vận chuyển hàng lẻ giá rẻ, vận chuyển hàng lẻ hàng ghép, dịch vụ vận chuyển hàng lẻ miễn phí, vận chuyển hàng lẻ hàng chưa đủ công LCL, dịch vụ gom hàng lẻ LCL xuất đường biển, dịch vụ vận chuyển hàng lẻ container LCL, gom hàng lẻ chuyên nghiệp, gom hàng lẻ uy tín, gom hàng lẻ giá tốt, chuyển hàng LCL nhanh, gom hàng lẻ trong nước, phụ phí hàng xuất lẻ, phụ phí hàng xuất, phụ phí hàng nhập, thủ tục xuất hàng lẻ, thủ tục lấy hàng nhập LCL, quy trình xuất hàng lẻ, vận chuyển hàng lẻ đi Bangkok(Thái Lan), vận chuyển hàng lẻ đi Busan( Hàn Quốc), vận chuyển hàng lẻ đi Incheon(Hàn Quốc), vận chuyển hàng lẻ đi Chennai(Ấn Độ), vận chuyển hàng lẻ đi Hồng Kong, vận chuyển hàng lẻ đi Tokyo(Nhật Bản), vận chuyển hàng lẻ đi Osaka( Nhật Bản), vận chuyển hàng lẻ đi Yokohama(Nhật Bản), vận chuyển hàng lẻ đi Manila(Philippines), vận chuyển hàng lẻ đi Singapore, vận chuyển hàng lẻ đi Thượng Hải(Trung Quốc), vận chuyển hàng lẻ đi Yangoon(Myanmar), vận chuyển hàng lẻ đi Trung Quốc, vận chuyển hàng lẻ từ Hải Phòng, vận chuyển hàng nhập về Hải Phòng, vận tải hàng lẻ nhập về Hải Phòng, dịch vụ gom hàng lẻ trực tiếp từ cảng Hải Phòng, dịch vụ vận chuyển hàng lẻ từ tp Hồ Chí Minh, vận chuyển hàng lẻ về tp Hồ Chí Minh, gom hàng lẻ từ tp Hồ Chí Minh,

https://indochina247.com/ Tel: 0914.858.166 or Tel: 0868356.797

Các dịch vụ Indochina247 hỗ trợ:

Ngoài vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam, Indochina247 còn cung cấp các dịch vụ sau:

  • Tư vấn giải pháp xuất khẩu và nhập khẩu trọn gói.
  • Xuất khẩu ủy thác cho các đơn vị chưa thành lập pháp nhân có nhu cầu
  • Nhập khẩu ủy thác cho doanh nghiệp muốn nhận hàng luôn.
  • Nhận book chuyến đi các nước cam kết giá rẻ.
  • Nhận tư vấn thủ tục hải quan và vận chuyển nội địa cực kỳ cạnh tranh.
  • Gom hàng lẻ xuất khẩu có hỗ trợ pháp nhân.
  • Hỗ trợ mua hàng trên sàn thương mại của Mỹ, Anh, Nhật, Hàn, các nước Châu Âu, Trung Quốc

Liên hệ với chúng tôi:

Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Quốc tế Đông Dương

Address: 157 phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nôi

Website: https://indochina247.com/

Tel: 086.835.6797

Email: lienhe@indochina247.com or  contact@indochina247.com

Youtube: Xuất nhập khẩu Indochina247

Dịch vụ vận chuyển hàng xách tay Iphone và Ipad làm quà biếu từ Nhật về Việt Nam
Dịch vụ vận chuyển hàng xách tay Iphone và Ipad làm quà biếu từ Nhật về Việt Nam

Ngoài ra chúng tôi còn cung cấp các dịch vụ như:

– Dịch vụ vận chuyển Thực phẩm chức năng từ Nhật về Việt Nam;

https://indochina247.com/dich-vu-chuyen-hang-xach-tay-tu-nhat-va-han-quoc-gia-re-va-nhanh-nhat

– Dịch vụ vận chuyển Thực phẩm chức năng từ Hàn Quốc về Việt Nam;

https://indochina247.com/dich-vu-hang-xach-tay-han-quoc-gia-tot-nhat-viet-nam

– Dịch vụ vận chuyển Thực phẩm chức năng từ Úc về Việt Nam;

https://indochina247.com/?s=uc

– Dịch vụ vận chuyển Thực phẩm chức năng từ Mỹ về Việt Nam;

https://indochina247.com/?s=My

– Dịch vụ vận chuyển Thực phẩm chức năng từ Anh về Việt Nam;

https://indochina247.com/?s=Anh

– Dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ Lào về Việt Nam;

https://indochina247.com/?s=L%C3%A0o

– Dịch vụ vận chuyển đường bộ từ Campuchia về Việt Nam;

https://indochina247.com/?s=Campuchia

– Dịch vụ vận chuyển đường bộ từ Thái lan về Việt Nam

 

Xu hướng tìm kiếm:

Bảng giá vận tải đường biển, Vận tải đường biển,Chuyển phát nhanh,Tư vấn xuất nhập khẩu,xuất nhập khẩu,

xuất nhập khẩu,Vận chuyển đường biển,chuyển hàng đường bộ,chuyển phát nhanh,bảng giá chuyển phát nhanh,

báo giá chuyển phát nhanh,thủ tục hải quan,kho bãi và container,chuyển phát nhanh trong nước,chuyển phát nhanh quốc tế,chuyển phát nhanh 247,dịch vụ chuyển phát nhanh,Dịch vụ vận tải đường biển,Bảng giá và phí đường biển,

bảng giá báo giá chuyển phát nhanh,Vận tải xuất khẩu đồ nội thất,Vận tải xuất khẩu viên nén mùn cưa,

Vận tải xuất khẩu tinh bột sắn,Quy trình xuất nhập khẩu,Vận tải xuất khẩu vật liệu xây dựng,

Vận tải xuất khẩu thủy sản,Vận tải xuất khẩu nông sản,Vận tải xuất khẩu dệt may,Vận tải xuất khẩu đồ mây tre đan,

Vận tải xuất khẩu đồ gỗ,

Phân tích và vận dụng chuyên sâu Incoterms 2010

Dịch vụ gửi hàng sang Sydney Úc bằng đường biển chuyên nghiệp giá rẻ

Vận chuyển hàng lẻ bằng đường biển sang Philippines rẻ như cho

 

error: Content is protected !!